ĐBSCL: Cá dọn bể đe dọa hệ sinh thái

05/03/2011 11:17 GMT+7

Gần đây trên hệ thống sông, hồ, kênh rạch tại ĐBSCL xuất hiện rất nhiều cá dọn bể (lau kính). Các nhà chuyên môn lo ngại hiện tượng này.

Cá lau kính là loài ăn tạp, cạnh tranh thức ăn với các loài khác, sinh sản nhanh khi phát tán ra ngoài thủy vực tự nhiên, có khả năng gây mất cân bằng sinh thái. Vài năm trở lại đây, cá lau kính được nhập về Việt Nam theo dạng cá cảnh. Gọi là cá lau kính vì loài này ăn tạp (chất thải của cá khác, rong rêu bám trên thành bể...).

Theo ghi nhận của người dân, cá lau kính bắt được ở ĐBSCL có thể dài tới 70cm, trong khi ở quê hương Nam Mỹ, loài này khi trưởng thành chỉ dài khoảng 30cm. Một số nhà hàng còn chế biến cá lau kính thành món ăn.

 
Một con cá lau kính lạc vào lưới của ngư dân ĐBSCL. 

Theo Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, trên hệ thống sông, hồ, kênh rạch của tỉnh này đang xuất hiện cá lau kính với mật độ lớn. Một số ngư cụ khai thác thủy sản cố định như chà, bò, đường ven... có thể khai thác cá lau kính nhiều gấp 5 lần so với các loài cá khác. Ước tính sản lượng cá lau kính thu được khoảng 60 – 80 tấn/năm. Điều này cho thấy, cá lau kính có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên tại Đồng Tháp.

Cá lau kính hay còn gọi là cá tỳ bà, cá dọn bể, tên khoa học là Hypostomus punctatus, có nguồn gốc Nam Mỹ, được nhập về Việt Nam chủ yếu từ Hong Kong và Singapore. Cá chủ yếu sống ở đáy các thủy vực nước ngọt, nước lợ. Thức ăn chính là các loài rong, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc nền đáy.

Cá lau kính cũng xuất hiện nhiều trong môi trường tự nhiên ở Long An. Sở NN&PTNT Long An vừa yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh này điều tra, đánh giá hiện trạng và thống kê sản lượng cá lau kính khai thác được tại các thủy vực tự nhiên, báo cáo về Tổng cục Thủy sản.

Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan quản lý chặt chẽ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, mua bán, nuôi thả cá lau kính, đề xuất giải pháp cô lập, tiêu diệt cá lau kính ngoài tự nhiên; thông báo cá lau kính là loài thủy sinh có hại, không được phép di nhập, buôn bán, vận chuyển cá dưới mọi hình thức.

Theo TS. Trần Triết (Đại học KHTN - ĐH Quốc gia TPHCM), điều đặc biệt lo ngại là cá lau kính đang có khả năng phát triển với mật độ cao trong các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Tân Hưng, Lung Ngọc Hoàng (ĐBSCL).

Điều này chắc chắn làm xáo trộn hệ sinh thái thủy vực do mất cân bằng chuỗi thức ăn cũng như sự cạnh tranh trực tiếp đối với các loài cá bản địa có cùng tập tính. Hậu quả cuối cùng có thể là việc giảm thiểu đa dạng sinh học.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.