Đề án 'TP thông minh': Người dân có thể giám sát nguồn gốc thực phẩm

16/03/2017 17:51 GMT+7

Trong năm 2017, TP.HCM sẽ tập hợp cơ sở dữ liệu của các sở ngành, quận, huyện để trở thành kho dữ liệu dùng chung của người dân TP; giúp liên thông, trao đổi dữ liệu giữa các sở ngành, quận, huyện.

Ngày 16.3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã họp ban điều hành đề án "TP thông minh" (Smart City) để nghe tiến độ thực hiện đề án.
TP thông minh là dự án mà UBND TP.HCM và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đang phối hợp triển khai.
Theo ông Tuyến, lĩnh vực được thể hiện trong đề án TP thông minh gồm: y tế, giao thông vận tải, an toàn thực phẩm, chống ngập, an ninh trật tự, dự án hạ tầng... Việc triển khai đề án TP thông minh dựa trên cơ sở điều kiện thực tế của TP nhằm có bước đi, lộ trình phù hợp.
Cũng theo ông Tuyến, hiện TP đang khảo sát các dữ liệu ở các sở, ngành để xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung cho toànTP, trước mắt là dữ liệu về doanh nghiệp (DN) và dân cư.
“TP thông minh tức là phải ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cuộc sống ở đô thị “thông minh” hơn, cải thiện sự tương tác tích cực giữa người dân và chính quyền TP, đồng thời quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Trong tương lai, TP thông minh sẽ kết nối được người dân và cơ quan quản lý; người dân được cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm và tham gia giám sát việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP thông qua phần mềm quản lý...
Trong lĩnh vực y tế, ông Tuyến cho rằng phải đưa công nghệ vào giải quyết vấn đề bảo hiểm y tế; phải áp dụng bảo hiểm điện tử.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho biết thêm trong tháng 3.2017, UBND TP.HCM sẽ phê duyệt kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở (open data) nhằm giúp người dân, DN có dữ liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đặc biệt dữ liệu mở sẽ giúp hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp.
“Đây là dữ liệu mở nên tất cả người dân của TP đều có thể truy cập tìm dữ liệu của cả TP, nhưng riêng đối với DN tham gia phải đóng lệ phí khoảng 230.000 đồng/DN. Trong đó, dữ liệu có thu phí gồm dữ liệu DN dùng để phục vụ cho quá trình kinh doanh của mình. Nếu các DN không đóng khoản phí này thì mỗi lần truy cập dữ liệu mở sẽ phải trả phí. Có thu phí mới có thể duy trì vận hành kho dữ liệu này. Các hoạt động kinh doanh, các ưu khuyết điểm của DN... người dân truy cập vào dữ liệu này sẽ có hết”, ông Tuyến cho biết.
Ông Tuyến chỉ đạo phải hoàn thành đề án TP thông minh sớm để trình Ban thường vụ Thành ủy cho ý kiến, nhằm triển khai.

tin liên quan

Thành phố thông minh người dân được gì ?
Người dân sẽ được thụ hưởng các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.