Đề nghị Ban Bí thư kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vì vụ AVG

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/11/2018 16:20 GMT+7

Ủy ban Kiểm tra T.Ư đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, do liên quan tới vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG .

Theo thông cáo kỳ họp thứ 31 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, từ ngày 12 - 14.11, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp kỳ 31 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
 Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân về trách nhiệm liên quan trong dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Sau khi xem xét khách quan, toàn diện các vi phạm, khuyết điểm của các cá nhân; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định thi hành kỷ luật đối với 3 người.
Cụ thể: Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ.
Thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Trần Văn Hiếu, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Bùi Quang Vinh, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Trước đó, kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về vụ việc đã nêu rõ, để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong dự án này có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Bình Dương.
Từ đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo các cơ quan nêu trên kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư. 
Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố ngày 14.3 đã nêu rõ những sai phạm của các cơ quan, đơn vị liên quan dự án MobiFone mua AVG.
Thanh tra Chính phủ xác định, đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỉ đồng, tuy nhiên những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại doanh nghiệp này khoảng 7.006 tỉ đồng...
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Thông tin - Truyền thông; ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ vi phạm, khuyết điểm của 5 bộ ngành, địa phương khác.
Cụ thể, AVG đăng ký trụ sở chính ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trong đó, 4 kênh tần số mà AVG được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép sử dụng để thực hiện thí điểm “dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” do AVG hợp tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng đồng ý cho thực hiện thí điểm).
Với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kết luận thanh tra nêu, Bộ này có văn bản số 721 ngày 24.11.2015 gửi Thủ tướng, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án là không đúng quy định tại luật Đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi MobiFone đã ký hợp đồng chuyển nhượng 95% cổ phần AVG, đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng, ngày 22.1.2016, Bộ Kế hoạch - Đầu tư có văn bản số 27, trong đó nêu rõ ảnh hưởng trực tiếp với nhiều nguy cơ, rủi ro từ việc mua 95% cổ phần AVG trong khi MobiFone đang tiến hành cổ phần hóa và đã “đề nghị dừng thực hiện dự án”.
Thanh tra Chính phủ kết luận: các ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại 2 văn bản trên là thiếu nhất quán, trách nhiệm thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ này.
Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện cổ phần hóa MobiFone và đã không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp của việc doanh nghiệp bỏ số vốn rất lớn để đầu tư dự án, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa...
Với Văn phòng Chính phủ, dù chưa có đầy đủ hồ sơ dự án nhưng đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính; tổng hợp, phân tích, đưa ra ý kiến thẩm tra, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho MobiFone mua cổ phần của AVG để phát triển dịch vụ truyền hình...
Với Bộ Công an, cơ quan thanh tra nêu, việc MobiFone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước nhưng trên cơ sở đề nghị của Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an có văn bản thống nhất với Bộ này về việc đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ Thông tin - Truyền thông với mức độ “mật”, thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, là chưa phù hợp.
Liên quan tới vụ việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG, tới nay, hàng loạt cá nhân, tập thể đã bị xem xét kỷ luật, khởi tố.
Trong đó, tối 10.7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone, đồng thời tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐQT MobiFone, và ông Phạm Đình Trọng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin - Truyền thông, về hành vi nêu trên.
Tới ngày 14.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt bị can để tạm giam đối với ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, hiện là cán bộ Văn phòng Tổng công ty Viễn thông MobiFone, và bà Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3, điều 220 bộ luật Hình sự năm 2015. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.