Theo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, cơ quan công an tỉnh đã có bản kết luận và chuyển hồ sơ vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đến Viện đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số 8 bị can, người có chức vụ, quyền hạn cao nhất là ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, phụ trách việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.
7 bị can còn lại thì có 4 người là cán bộ thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, gồm: ông Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng; bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng Phòng Chính trị - tư tưởng.
2 bị can là cán bộ Công an tỉnh Sơn La là ông Đỗ Khắc Hưng, cựu trung tá, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh; ông Đinh Hải Sơn, cựu thiếu tá, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La. Bị can còn lại là ông Đặng Văn Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La.
Trong giai đoạn 1, cơ quan điều tra tập trung làm rõ hành vi của 8 bị can xoay quanh việc sửa điểm bài thi trắc nghiệm cho 44 thí sinh và sửa điểm bài thi tự luận là môn ngữ văn cho một số thí sinh khác, mức độ can dự của từng cá nhân trong đường dây gian lận, cũng như sự tiếp tay của 2 cựu cán bộ công an. Hiện, Công an tỉnh Sơn La đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án gian lận thi cử ở tỉnh này.
Liên quan đến vụ gian lận thi cử, trong năm 2018 và năm 2019, cơ quan công an đã khởi tố điều tra 8 bị can trên về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 bộ luật Hình sự để điều tra về việc nhiều bài thi ở tỉnh Sơn La có dấu hiệu bị can thiệp nâng điểm.
Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã gây rúng động dư luận cả nước. Ngày 23.3, Bộ GD-ĐT chính thức công bố một phần sự thật về đường dây gian lận điểm ở Sơn La.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau chấm thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn toán với 9 điểm.
|
Bình luận (0)