Theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, khác với 16 quận, TP.Thủ Đức được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh, bao gồm: HĐND và UBND (các quận khác chỉ có UBND)...
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho biết HĐND TP.Thủ Đức sẽ hoạt động theo luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019, đồng thời được trao thêm một số thẩm quyền cao hơn. Cụ thể, HĐND “thành phố thuộc thành phố” có thêm nhiệm vụ quyết định quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị dựa trên quy hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị; tổ chức đời sống dân cư phù hợp với cảnh quan đô thị trên địa bàn.
Về cơ chế chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức, UBND TP.HCM đang phối hợp với các bộ ngành xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Ông Diệp Văn Sơn, chuyên gia cải cách hành chính, nhìn nhận nếu coi TP.Thủ Đức như một quận, huyện bình thường thì không thể tạo ra được các thành quả kinh tế, xã hội như mục tiêu đề ra. Về quy mô, TP.Thủ Đức là đô thị loại 1 như TP.Biên Hòa (Đồng Nai) nên có một số thẩm quyền khác biệt các quận, huyện; trong đó có thể được quyết định các dự án nhóm B và nhóm C. Ông Sơn đánh giá các thẩm quyền được trao thêm tương đối lớn nhưng đi kèm với nó là thách thức không hề nhỏ, yêu cầu năng lực chuyên viên các phòng ban chuyên môn phải giỏi và vững kiến thức. “Khi đọc các thủ tục để làm dự án nhóm B và nhóm C thì có mấy chục đầu việc như đánh giá tác động môi trường, tài chính, năng lực đầu tư... cần chuyên viên rất giỏi của Sở KH-ĐT cấp tỉnh thực hiện thì mới yên tâm được”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, về lâu dài phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho TP.Thủ Đức thì mới có thể đóng góp 7% cho GDP cả nước, trước mắt sẽ áp dụng Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng cần tính toán những cơ chế đặc thù xin thêm cho TP.Thủ Đức phải phù hợp để “hấp thụ” trọn vẹn chứ không phải xin xong rồi để đó. Bởi trên thực tế, một số ưu đãi theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội đã không được tận dụng triệt để, giống như tình trạng nhiều địa phương xin dự án nhưng không triển khai được rồi phải trả lại cho T.Ư.
Trong khi đó, lãnh đạo TP.HCM nhiều lần khẳng định, trước mắt sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền các đầu việc thuộc thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND TP.HCM cho TP.Thủ Đức. Trong quý 1/2021, sẽ hoàn thành các cơ chế, chính sách đặc thù trình T.Ư xem xét.
Bình luận (0)