Đề xuất công an không mặc sắc phục khi lấy lời khai bị hại dưới 18 tuổi

Thái Sơn
Thái Sơn
09/10/2020 17:36 GMT+7

Khi lấy lời khai của người bị hại dưới 18 tuổi , điều tra viên, cán bộ điều tra mặc trang phục phù hợp và không nhất thiết phải mặc trang phục công an nhân dân.

Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện khi điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Dự thảo thông tư này đưa ra nhiều biện pháp tố tụng thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe hay tình dục.
Theo đó, khi lấy lời khai người bị hại, cơ quan công an có thể tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi làm việc của người đó. Điều tra viên, cán bộ điều tra lựa chọn nơi lấy lời khai và bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Nơi nào đã bố trí phòng điều tra thân thiện thì có thể sử dụng để lấy lời khai.
Điều tra viên, cán bộ điều tra khi tiến hành lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ. Điều tra viên, cán bộ điều tra mặc trang phục phù hợp, không nhất thiết phải mặc trang phục công an nhân dân.
Khi lấy lời khai của người bị hại là người dưới 18 tuổi, cơ quan điều tra phải mời người giám hộ, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, hoặc người đại diện hợp pháp khác, hoặc thầy cô giáo của người đó tham dự. Theo yêu cầu của người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan điều tra có thể mời đại diện cơ quan LĐ-TB-XH, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, nhà trường hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia để hỗ trợ cho họ.

Không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của bị hại dưới 18 tuổi

Dự thảo thông tư cũng quy định cơ quan điều tra cần dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ.
Việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
Dự thảo này cũng quy định, cơ quan điều tra phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ.
Đối với các vụ án xâm phạm tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.
Liên quan đến việc giải quyết các vụ án có người bị hại dưới 18 tuổi, năm 2019, TAND tối cao cũng đã ban hành Thông tư liên tịch giữa Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn thi hành một số quy định của bộ luật Tố tụng hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.