Đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2020 giữa các bên còn chênh nhau khá lớn

Thu Hằng
Thu Hằng
14/06/2019 16:20 GMT+7

Phiên đàm phán đầu tiên về mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đã kết thúc vào trưa nay, 14.6, với khoảng cách giữa đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động chênh nhau khá lớn.

Mặc dù trước phiên họp sáng nay, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện giới chủ sử dụng lao động, cho biết hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước kiến nghị không tăng lương tối thiểu, nhưng sau phiên họp, VCCI đồng ý đề xuất tăng không quá 2%.

Lý giải về sự thay đổi này, ông Phòng chia sẻ: “Đa số các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị không tăng, nhưng qua thảo luận và nghiên cứu tình hình, chúng tôi thấy rằng nếu không tăng cũng không ổn. Doanh nghiệp cần phải tăng lương để động viên tinh thần cho người lao động, tuy nhiên, mức tăng chỉ nên từ 1 - 2%, bởi nếu tăng quá sẽ vượt quá năng lực chi trả của doanh nghiệp. Hơn nữa, đến nay hầu hết tất cả các doanh nghiệp đều trả lương cho người lao động cao hơn mức được đề xuất của năm 2019 là 5,3%, thậm chí có tới 72,5% các doanh nghiệp trả mức lương tối thiểu vùng 2019 lên 6%”.

Theo ông Phòng, vấn đề các bên còn đang băn khoăn là cách tính nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. “Chúng tôi đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia cần có khảo sát phù hợp, rõ ràng để làm căn cứ thảo luận tiếp cho các phiên họp sau”, ông Phòng nói.

Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) vẫn giữ quan điểm đề xuất 2 phương án lương tăng 8% (tương ứng với mức tăng từ 180.000 - 380.000 đồng tùy theo từng vùng) và tăng 7,06% (tương ứng mức tăng từ 160.000 - 330.000). Điều này có nghĩa, khoảng cách đề xuất tăng lương tối thiểu 2020 của 2 bên chênh nhau tới 5%.

Đề xuất tăng dưới 2% là không tuân thủ Nghị quyết 27 về tiền lương tối thiểu

Bình luận về mức đề xuất của VCCI, ông Lê Đình Quảng, Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN), cho rằng: “Mỗi bên đều có quan điểm riêng và xuất phát từ quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, giới sử dụng lao động đề xuất tăng dưới 2% là không tuân thủ với Nghị quyết 27 và không bám vào tinh thần của Nghị quyết 27 về tiền lương tối thiểu là đến năm 2020 tiền lương tối thiểu của người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu của họ”.

Theo ông Quảng, tổng thể bức tranh kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2019 và dự báo những tháng cuối năm 2019 rất sáng sủa. Đây là một trong những năm có những chỉ tiêu đáng phấn khởi trong những năm gần đây. Với bức tranh như vậy, chúng tôi có thể đủ cơ sở thực hiện Nghị quyết 27 đã đề ra. Ông Quảng cũng mong muốn cơ quan thống kê của Việt Nam sớm đưa ra thống kê, tiêu chí đánh giá về mức sống tối thiểu của người lao động để làm cơ sở tính toán lương tối thiểu cho chuẩn xác.

Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương cũng đưa ra 3 phương án ở mức vừa phải “dung hòa” giữa các bên.

Cụ thể, phương án 1 tăng bình quân 4,9% so với lương tối thiểu vùng hiện hành, tức tăng 120.000 - 200.000 đồng. Phương án 2 tăng bình quân 4%, tức tăng 70.000 - 170.000 đồng tùy từng vùng. Phương án 3 tăng bình quân 6%, tức 140.000 - 240.000 đồng tùy từng vùng.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cuộc họp đầu tiên là để các bên nêu quan điểm, tìm hiểu mức đề xuất điều chỉnh của nhau; đồng thời, tham khảo phương án của bộ phận kỹ thuật đưa ra.

Hội đồng sẽ phải họp thêm 2 phiên nữa để các bên thương lượng, trước khi đi đến thống nhất mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020. Dự kiến phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 và cuối tháng 7, phương án lương tối thiểu sẽ được “chốt” để trình Chính phủ phê duyệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.