Dịch tả lợn châu Phi khiến người kinh doanh điêu đứng

Lê Tân
Lê Tân
16/03/2019 19:04 GMT+7

Dịch tả lợn châu Phi không chỉ khiến người nuôi lợn khốn đốn, chính quyền địa phương vất vả mà còn làm điêu đứng cả các hộ kinh doanh.

Từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại địa phương đến nay, thịt lợn trở thành mặt hàng ế ẩm nhất tại chợ Chính Mỹ (xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). “Trước khi có dịch, ở chợ có 14 sạp thịt lợn. Bây giờ chỉ còn 3 sạp. Nếu không có dịch, 1 ngày tôi mổ 2 con lợn, bây giờ nhập 10 kg về nhưng còn để đấy”, bà Nguyễn Thị Ước (55 tuổi, bán thịt lợn ở chợ Chính Mỹ) nói.
Thịt lợn ế, bà Ước quay ra bán thịt gà, thịt ngan. Dù trên bàn vẫn có thịt lợn nhưng ai đi qua bà Ước cũng chỉ gọi : “Mua ngan, gà đi chị ơi”. Sống ở nơi phát dịch đầu tiên ở Hải Phòng và đến nay vẫn có lợn chết, người dân xã Chính Mỹ đang sợ thịt lợn. Một lãnh đạo xã Chính Mỹ còn cho biết nhiều người còn không dám đến khu vực có dịch tả lợn châu Phi khiến việc vận động nhân lực tiêu hủy lợn dịch tại địa phương gặp khó khăn.
khong-tay-chay-thit-lon
Chiều 16.3, cả chợ Trần Quang Khải chỉ còn 1 hàng bán thịt lợn Ảnh Lê Tân
Không chỉ tại vùng dịch, việc bán thịt lợn và các sản phẩm từ lợn cũng rơi vào tình trạng khó khăn ở khắp Hải Phòng. Siêu thị Intimex Hải Phòng dừng nhập thịt lợn về bán từ nhiều ngày nay. Tại chợ Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng cũng chỉ còn duy nhất 1 sạp thịt lợn.
Bà Vũ Thị Đông, một người bán cháo và lòng lợn phục vụ ăn sáng ở chợ Bình Hải (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) ngao ngán: “Hàng nhà tôi lâu năm, luôn lấy đồ ở cơ sở giết mổ uy tín mà khách vẫn e ngại. Ngày thường tôi lấy 2 triệu tiền hàng, bây giờ lấy 300.000 đồng mà không bán hết”. Ngồi đối diện với bà Đông là sạp thịt lợn của bà Huệ cũng rất ít người hỏi mua. Ngay cả giò chả, những món ăn đã được chế biến kỹ càng cũng tiêu thụ kém.
“Ngày chưa có dịch, tôi bán giò lợn gấp 3 giò bò. Bây giờ thì ngược lại. Nhiều khi phải vừa bán vừa ăn mà khách vẫn không yên tâm”, chị Hà, chủ cửa hàng giò chả ở chợ Đôn (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ một cơ sở giết mổ lợn được kiểm soát kỹ càng nhất nhì thành phố Hải Phòng thì lượng lợn được đưa vào cơ sở giết mổ này đã giảm 40% so với trước khi có dịch. “Một số khu công nghiệp, trường học thông báo tạm dừng ăn thịt lợn, dù bệnh này không lây sang người. Thịt lợn sạch, được giết mổ đúng quy trình thì an toàn mà”, ông Dũng chia sẻ.
khong-tay-chay-thit-lon
Người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang và tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn và được chế biến hợp vệ sinh Ảnh Lê Tân
Trao đổi với Thanh Niên chiều 16.3, ông Bùi Văn Luyện, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố Hải Phòng, cho biết: “Người dân không nên tẩy chay thịt lợn vì dịch bệnh này không lây sang người cũng như các động vật khác. Trong thời điểm này, bà con nên mua thịt lợn có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch của thú y, tại các cửa hàng, siêu thị có uy tín. Thực tế, số lợn bị bệnh chỉ chiếm 1/6 tổng đàn lợn ở Hải Phòng nên còn rất nhiều lợn khỏe mạnh. Mặt khác, lực lượng chức năng cũng kiểm soát rất chặt chẽ, tại các chợ lớn cũng có lực lượng thú y thường trực".
"Ngoài ra, chúng tôi cũng nói thêm là ở Hải Phòng thì lợn bệnh sẽ phải tiêu hủy ngay trong vòng 12 tiếng (theo quy định là 24 tiếng) và tiêu hủy trong vùng dịch chứ tuyệt đối không đưa ra ngoài, vì vậy, người dân càng không nên quá lo lắng”, ông Luyện nói.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố Hải Phòng, trong ngày 15.3 dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại 39 hộ thuộc 36 thôn, 16 xã trên địa bàn. Trong đó, 3 xã mới có dịch là Cổ Am, Liên Am (huyện Vĩnh Bảo) và Lê Thiện (huyện An Dương).
Tính đến 19 giờ 30 ngày 15.3, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 467 hộ thuộc 41 xã, phường của 6 huyện, quận ở Hải Phòng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 6.783 con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.