Điều kiện để học viên sau cai nghiện được xét hồi gia

06/06/2005 21:50 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc là thân nhân người nghiện đang cai tại 18 trung tâm cai nghiện do Sở LĐ-TB-XH và Lực lượng TNXP TP.HCM quản lý nóng lòng muốn biết con em họ bao giờ được tái hòa nhập cộng đồng. Thắc mắc đó là chính đáng, bởi trong số hơn 30.000 người nghiện tập trung, nhiều người đã gần xong giai đoạn cai nghiện, bước vào thời kỳ "hậu cai" - lao động tình nguyện. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết:

 

 - Sở LĐ-TB-XH và các đơn vị liên quan của TP đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này. Sau nhiều lần góp ý, Sở đang hình thành quy chế xét cho người nghiện hồi gia. Quy chế này đang được góp ý lần cuối cùng để trình UBND TP ban hành.

 

* Thưa ông, điều kiện nào để được xét cho hồi gia?

 

- Ông Nguyễn Văn Vinh: Có những điều kiện cơ bản để người sau cai được xét cho hồi gia: Người đó phải có ít nhất 36 tháng tập trung cai nghiện và phải được bác sĩ chứng nhận là đã hoàn toàn cai nghiện xong; chỉ mới nghiện lần đầu hoặc nghiện lần hai, có chữa trị nhưng không khỏi và trong thời gian tập trung cai nghiện có ý chí phấn đấu cai nghiện tốt, quyết tâm từ bỏ ma túy; bản thân người nghiện phải thuộc gia đình tốt, không tham gia mua bán ma túy, không có tiền án, tiền sự. Cuối cùng là địa phương nơi người nghiện cư trú phải được xác nhận là không còn ma túy. Những người hội đủ các điều kiện trên sẽ được xét cho hồi gia, trong đó ưu tiên đối với những trường hợp trước đó đang làm việc hoặc đi học, sau thời gian tập trung cai xong được nơi làm việc nhận lại, được nhà trường cho bảo lưu và được tiếp tục theo học.

 

Hội đồng xét hồi gia sẽ không xét đối với những trường hợp có nguy cơ cao (bỏ học, lêu lổng, không có việc làm và đã trải qua nhiều lần cai nghiện nhưng vẫn tái nghiện; cư trú tại những địa bàn chưa được chuyển hóa xong...)

 

* TP đã chuẩn bị gì cho giai đoạn hậu cai ?

 

- Để chuẩn bị đón những người đã qua cai nghiện nhưng chưa được xét cho hồi gia, TP đã chuẩn bị rất kỹ cơ sở vật chất, việc làm cho họ. Hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước đã được đầu tư để cứu người nghiện. TP đã phải cất công và kiên trì thuyết phục những "chất xám" chưa có việc làm ở TP, thậm chí thuyết phục bác sĩ ở tỉnh về công tác phục vụ người nghiện với một chế độ hết sức ưu đãi. Chẳng hạn, thu nhập của bác sĩ tại các trung tâm hiện được trả một khoản gấp 3 lần so với lương cơ bản của bác sĩ công tác tại TP, bình quân khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Bác sĩ sau thời gian công tác 3 năm tại trung tâm, có nhà ở sẽ được xét cho nhập hộ khẩu TP.

 

 Ngoài Trung tâm Công nghiệp Nhị Xuân dành riêng cho người nghiện sau cai, tại các trung tâm cai nghiện cũng đã có những công việc thích hợp để những người này có điều kiện lao động, tạo thu nhập nuôi thân. Thậm chí TP còn tính tới phương án cấp đất, nhà trong khuôn viên do các trung tâm quản lý cho những cặp vợ chồng là người sau cai nghiện để họ bảo đảm sinh sống lâu dài trong môi trường không bị ảnh hưởng bởi ma túy.

 

                          Nguyên Thủy (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.