Điều tra đặc biệt để chống tham nhũng

07/11/2015 09:31 GMT+7

Mặc dù đồng tình với các biện pháp điều tra bí mật như nghe lén điện thoại, thu thập bí mật thư, dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình để điều tra về tội phạm tham nhũng, ma túy nhưng nhiều đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật là chưa chặt chẽ, có thể bị lạm dụng hoặc chưa đủ mạnh.

Mặc dù đồng tình với các biện pháp điều tra bí mật như nghe lén điện thoại, thu thập bí mật thư, dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình để điều tra về tội phạm tham nhũng, ma túy nhưng nhiều đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật là chưa chặt chẽ, có thể bị lạm dụng hoặc chưa đủ mạnh.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường - Ảnh: Ngọc ThắngĐại biểu Nguyễn Doãn Khánh phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng
Thảo luận tại hội trường về dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) hôm qua (6.11), ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), bày tỏ quan điểm tán thành với việc lần đầu tiên có riêng một chương quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm 3 biện pháp: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử đối với tội tham nhũng, tội phạm an ninh quốc gia, vấn đề chống khủng bố, ma túy, rửa tiền...
Tuy nhiên ông cho rằng như vậy vẫn chưa đủ: “Có hai biện pháp nữa cũng quan trọng là trinh sát theo dõi bí mật và cộng tác viên theo dõi. Nên công khai hóa cả những vấn đề này. Ví dụ, tội tham nhũng, nếu chúng ta cho phép làm cái này để theo dõi những đối tượng bị tình nghi tham nhũng thì chúng ta bắt được rất dễ”, ông Thuyền đề xuất.
Theo ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội), mỗi năm lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy đã lập 600 chuyên án trinh sát, tất cả đều áp dụng nhiều phương pháp trinh sát đặc biệt ngay từ giai đoạn đầu và đã phát huy hiệu quả rất cao. Nếu dự thảo chỉ quy định áp dụng từ giai đoạn khởi tố sẽ gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra. Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt phải được thực hiện chặt chẽ bí mật nhưng cũng phải nhanh nhạy, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm.
Đồng tình về các biện pháp nhưng ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) phản đối quy định áp dụng trong trường hợp khi có đề nghị của người tố giác tội phạm và người bị hại áp dụng đối với chính họ.
“Về mặt lý thuyết thì đúng nhưng trên thực tế chúng ta không bao giờ tách con người này ra khỏi hoạt động chung của xã hội. Ví dụ, chúng ta theo dõi việc bí mật, nghe họ trao đổi trên mạng và trao đổi qua điện thoại thì không phải một mình người bị hại hoặc người tố giác người ta tự nói chuyện với chính họ mà phải liên quan đến người khác. Hay khi tham gia hoạt động cộng đồng xung quanh họ còn rất nhiều người khác. Mặc dù họ có thể đồng tình nhưng những người khác vô nằm trong không gian họ hoạt động, không tự nguyện nhưng cũng bị thực hiện các biện pháp áp dụng tố tụng đặc biệt này là không phù hợp”, ĐB Khánh phân tích, đồng thời đề nghị cần quy định chặt chẽ thủ tục thẩm quyền quyết định và giám sát việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Quy định rõ khung thời gian và số lần cho phép gia hạn tối đa mà dự thảo không quy định.
Cân nhắc về quyền im lặng
Đề cập đến quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội được quy định tại các điều 57, 58, 59, 60 của dự thảo luật, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng đây thực chất là quyền im lặng và không nên quy định như một quyền độc lập mà để nguyên như quy định hiện hành.
“Nếu quy định như tại dự thảo sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là đấu tranh đối với các vụ án, đặc biệt nghiêm trọng”, ĐB Dân nói.
Đại biểu Phạm Trường Dân nói nếu tội phạm được quyền im lặng sẽ không truy thu được tài sản tham nhũng - Ảnh: N.T
Đại biểu Phạm Trường Dân nói nếu tội phạm được quyền im lặng sẽ không truy thu được tài sản tham nhũng - Ảnh: N.T
Cùng quan điểm, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng trong nguyên tắc tố tụng hiện đang kết hợp xét và tranh tụng, lời khai của người phạm tội, nhân chứng và người bị hại là những chứng cứ quan trọng quyết định trong xét xử. “Các vụ thảm án vừa qua nếu các bị can, bị cáo không khai nhận thì không tìm ra hung khí gây án và diễn lại quá trình xảy ra vụ án”, ông Tuyến nói và đề nghị cần cân nhắc về quy định này.
Tuy nhiên trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết đa số tán thành với dự thảo, việc quy định rõ hơn quyền khai báo, trình bày ý kiến của người bị buộc tội như quy định tại điểm g khoản 3 điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà VN tham gia năm 1982 là cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.