Đồ chơi trẻ em trước giờ G

03/09/2010 00:46 GMT+7

* Đĩa bay Trung Quốc có thể gây hại gan, thận Theo quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ, từ ngày 15.9, đồ chơi trẻ em (ĐCTE) nếu không dán tem chứng nhận kiểm định chất lượng (CR) sẽ bị tịch thu.

Tuy nhiên, khi giờ G đã cận kề, thị trường ĐCTE tại Hà Nội, TP.HCM vẫn tràn lan những sản phẩm không nhãn mác.

Chưa phạt, chưa dán

Phố Hàng Mã, Chả Cá, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân... là những địa điểm kinh doanh mặt hàng ĐCTE lớn nhất Hà Nội. Theo khảo sát của chúng tôi, như mọi năm, gần đến Tết Trung thu, đồ chơi Trung Quốc không rõ nguồn gốc vẫn chiếm lĩnh thị trường. Các loại mặt nạ, thú nhạc, ô tô, búp bê, đến xếp hình... đều không có một dòng chữ tiếng Việt. Người tiêu dùng phải “căng mắt” tìm kiếm may ra mới tìm được sản phẩm có chữ CR.

Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã, nói: “Buôn bán cả năm không bằng rằm Trung thu, công việc kinh doanh của chúng tôi đang thuận lợi nên việc dán tem theo quy định cứ chờ bao giờ đến hạn hẵng hay”. Thời hạn “tối hậu thư” đã cận kề, thế nhưng khi chúng tôi hỏi mua loại đồ chơi có dán tem CR, một người bán hàng trên vỉa hè phố Lương Văn Can, thản nhiên cho biết: “Làm gì đã có tem, chắc phải sau ngày 15.9, chúng tôi sẽ mua về dán”. Ngay đến cả shop Lego (17 Lương Văn Can) chuyên bán hàng ĐCTE cao cấp nhập khẩu từ châu u cũng chưa có mặt hàng nào dán tem CR. Nhân viên bán hàng viện lý do, chưa xử phạt, chưa dán.

Tại chợ Bình Tây (TP.HCM), đầu mối phân phối các loại ĐCTE, khách hàng cũng khó tìm ra một sản phẩm đồ chơi nào được dán tem CR. Một số điểm bán ĐCTE khác ở TP.HCM như hệ thống nhà sách, siêu thị tuân thủ khá tốt quy định dán nhãn, tuy vậy, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa thấy dán tem CR, nhất là các sản phẩm sản xuất trong nước.

Mạnh tay xử lý

Ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết, sau gần 5 tháng triển khai, tính đến ngày 30.8, mới chỉ có 111 doanh nghiệp nhập khẩu, 18 doanh nghiệp sản xuất trong nước và 311 đơn vị kinh doanh được chứng nhận hợp quy mặt hàng ĐCTE. “Đa số các đơn vị nhập khẩu và sản xuất ĐCTE đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định, chỉ có các cửa hàng kinh doanh vẫn thờ ơ. Chúng tôi đã tổ chức các đợt tuyên truyền, phát tờ rơi đến các hộ kinh doanh và tuyên truyền cả trên báo đài, nhưng đến giờ phút này con số các đơn vị kinh doanh đến đăng ký dán tem CR còn quá ít”, ông Vinh nói.

Đây đã là lần thứ 3 cơ quan chức năng đã phải lùi thời hạn áp dụng việc dán nhãn CR trên ĐCTE (các lần trước vào tháng 4 và tháng 6), vì vậy đối với các trường hợp chây ì, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học - Công nghệ) cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra mặt hàng ĐCTE, từ sau hạn chót ngày 15.9, tất cả sản phẩm ĐCTE chưa gắn dấu hợp quy sẽ bị tịch thu.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo các đội quản lý thị trường đặc biệt là những địa điểm “nóng” phát hiện, xử lý ngay các trường hợp vi phạm”. Ông Đặng Văn Đức - Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cũng cho biết: “Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối... mặt hàng ĐCTE phải tuân thủ quy định của cơ quan chức năng. Sau ngày 15.9, khi quy định gắn dấu hợp quy CR có hiệu lực, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra nghiêm túc, tịch thu tất cả các sản phẩm ĐCTE không tuân thủ đúng quy định này”.

Về phía nhà sản xuất, ông Lưu Văn Quảng, Tổng giám đốc Công ty CP Veesano, chuyên sản xuất, phân phối và cung cấp đồ chơi trí tuệ cho trẻ em, nhận định: “Việc cơ quan quản lý lựa chọn thời hạn 15.9, sẽ khiến thị trường đồ chơi hết bát nháo, sẽ sàng lọc loại bỏ những đồ chơi nguy hiểm, kém chất lượng trên thị trường, các bậc phụ huynh sẽ để ý đến sự chọn lựa đồ chơi an toàn cho trẻ em. Đây là chủ trương tốt đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như các DN làm ăn chân chính đảm bảo chất lượng”.

Ở một khía cạnh khác, bà Lê Hải Liễu - Tổng giám đốc Công ty gỗ Đức Thành, băn khoăn: “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này, vì nó sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và có một ranh giới để phân định được sản phẩm chất lượng và kém chất lượng. Tuy nhiên, thực tế chúng ta cũng không hoàn toàn dựa vào dấu CR để nói rằng đồ chơi này an toàn hay không, bởi không loại trừ những chiếc tem giả. Do đó, tôi chỉ mong cơ quan quản lý mạnh tay kiểm tra tất cả các điểm phân phối ĐCTE, không phân biệt lớn hay nhỏ, như vậy người tiêu dùng sẽ an tâm hơn và nhà sản xuất cũng cảm thấy công bằng hơn”.

Đĩa bay Trung Quốc có thể gây hại gan, thận

Công ty TUV Rheinland VN, đơn vị có vốn nước ngoài chuyên kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm độc lập (TP.HCM) vừa công bố kết quả kiểm nghiệm chất lượng trên sản phẩm đồ chơi Trung Quốc. Theo đó, 100% các mẫu đồ chơi đĩa bay UFO xuất xứ từ Trung Quốc mà phòng thí nghiệm của công ty phân tích đã cho thấy, hàm lượng chất phthalates được phát hiện đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Phthalates là chất rất độc hại và có tác hại xấu tới sức khỏe của người sử dụng, tiếp xúc sản phẩm có chứa chất này. Các chất phthalates thường được sử dụng trong nhựa để gia tăng độ mềm dẻo. Đây là chất tạo dẻo trong các sản phẩm PVC như vải sợi có lớp phủ, định dạng sản phẩm, là chất tạo dẻo trong sơn, chất phủ bề mặt gỗ, kim loại và nhựa và cũng là chất tạo dẻo trong nhiều loại hợp chất cao phân tử: keo, mực...

Trong lĩnh vực y tế và hóa học, chất phthalates được khuyến cáo có thể làm ảnh hưởng đến gan và thận, hormon và đặc biệt gây hại đến thai nhi, gây đột biến. Do đó, với kết quả phân tích trên, các mẫu đồ chơi UFO xuất xứ Trung Quốc do TUV Rheinland Việt Nam thu thập, kiểm định đã không đạt các tiêu chuẩn an toàn về đồ chơi quốc tế. Cụ thể là các tiêu chuẩn như EU packaging directive 94/62/EC, EN71 Part 3, REACH.

Thu Hằng - H.Việt - Q.Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.