Đổ xô đi lấy bùn phun

05/07/2011 16:27 GMT+7

(TNO) Đầu năm 2011, tại thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, H.Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) xảy ra hiện tượng bùn phun trào tự nhiên. Sau đó, các chuyên gia đã nghiên cứu và kết luận bùn phun lên là bùn khoáng, nhưng chưa rõ có thể chữa bệnh được hay không. Nhưng hơn 1 tháng nay, nhiều người đã đến đây lấy bùn về dùng.

Chiều 4.7, tại thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, nhiều người dân cho biết: cách đây hơn nửa tháng, rất đông người đến múc bùn, có ngày lên đến cả trăm người; họ mang ô tô, xe máy với các dụng cụ như can nhựa, thùng cách nhiệt, thùng xốp… để đựng bùn.

Anh Th., một người dân địa phương kể: “Cách đây hơn nửa tháng, người đi lấy bùn đông lắm, nhất là vào buổi sáng và tối. Có nhiều hôm, mấy chiếc ô tô tới lấy bùn, xe máy thì rất nhiều. Họ tập trung đông nên giẫm bẹp cả một khoảng ruộng lúa đang trổ bông của tôi”.

Nghe tin loại bùn này có thể chữa bệnh, dùng thay cả xà bông, nên một số người dân địa phương đã đến lấy. Sau khi dùng thử, nhiều người khẳng định loại bùn này chẳng chữa được bệnh đau lưng, bệnh ngoài da, không thay được xà bông; da cũng không trắng hơn sau khi tắm với bùn.

Ông Trần Kim Tiên, Phó chủ tịch UBND xã Lợi Hải, xác nhận: Khi nghe được thông tin bùn phun có ích cho sức khỏe, nhiều người đã đến lấy bùn về dùng, nhưng chủ yếu là người dân địa phương, một số ít người ở nơi xa đến. Sở dĩ có tình trạng trên là do người dân chưa hiểu rõ về loại bùn này, lại hiếu kỳ, thấy người khác lấy bùn nên cũng làm theo. UBND xã đã tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ về loại bùn này; đồng thời bảo vệ các điểm bùn phun, đề phòng sự cố đáng tiếc xảy ra. Hiện số người đến lấy bùn đã giảm nhiều.

Ông Võ Chi, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: “Chúng tôi có nghe thông tin về việc người dân lấy bùn, nhưng chưa thấy UBND xã Lợi Hải báo cáo. Đối với các điểm bùn phun, huyện vẫn đang chờ chỉ đạo của tỉnh để có hướng giải quyết tiếp theo. Trước mắt, huyện đã có văn bản xin kinh phí để làm rào chắn, khoanh vùng khoảng 2 ha để bảo đảm an toàn cho người dân, bảo vệ các điểm bùn phun”.

Theo kết luận của nhóm nghiên cứu thực địa thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, bùn phun ở xã Lợi Hải thuộc dạng bùn khoáng có nguồn gốc vô cơ, được kết tụ từ nước khoáng và sản phẩm "rửa lũa" từ vỏ phong hóa của đá granit dưới tầng sâu của lớp đất. Thành phần chủ yếu của bùn là Silic với hàm lượng khá cao; tỷ lệ bột sét trung bình chiếm 27%, độ pH trung tính từ 6,9 - 7.

Lê Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.