Đối mặt 'siêu rét'

24/01/2016 06:59 GMT+7

Hôm qua, nền nhiệt độ tại Hà Nội đã xuống thấp nhất kể từ đầu mùa đông. Trong khi đó, bắt đầu từ hôm nay 24.1, không khí lạnh ảnh hưởng trực tiếp đến miền Nam và sẽ kéo dài trong vài ngày tới.

Hôm qua, nền nhiệt độ tại Hà Nội đã xuống thấp nhất kể từ đầu mùa đông. Trong khi đó, bắt đầu từ hôm nay 24.1, không khí lạnh ảnh hưởng trực tiếp đến miền Nam và sẽ kéo dài trong vài ngày tới.

Băng giá phủ dày trên cành cây, núi rừng khu vực núi Phia Oắc (Cao Bằng) - Ảnh: Trần TrangBăng giá phủ dày trên cành cây, núi rừng khu vực núi Phia Oắc (Cao Bằng) - Ảnh: Trần Trang
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cập nhật tại các trạm khí tượng miền Bắc đến 19 giờ ngày 23.1, nhiệt độ tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) thấp nhất với -2,5 độ C; tại khu vực núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là 1,5 độ C; cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) là 1,6 độ C; còn tại Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ đo được 1,8 độ C.
Còn tại Cao Bằng, nhiệt độ tại Trùng Khánh là 3,7 độ C, tuy nhiên ở các vùng núi cao trong tỉnh này không có trạm đo khí tượng nhưng nhiệt độ còn xuống dưới 0 độ C nên đã xuất hiện băng giá. Ở khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc bộ, nhiệt độ ở mức rét đậm rét hại, phổ biến dưới 10 độ C.
Trong ngày, nhiệt độ tại thủ đô Hà Nội thấp nhất đo được tại Hà Đông là 9,8 độ C. Ở Bắc Giang nhiệt độ thấp hơn với 8,5 độ C; còn tại Bắc Ninh là 8,7 độ C; Thái Bình là 8,8 độ C. Các tỉnh Trung bộ cũng có rét đậm rét hại, trong khu vực này, nhiệt độ tại Thanh Hóa thấp nhất với 9,8 độ C; còn tại TP.Vinh (Nghệ An) là 10,4 độ C; tại Hà Tĩnh nhiệt độ cũng giảm thấp với 12,4 độ C.
Băng tuyết dày đặc ở Mẫu Sơn
Ghi nhận tại khu vực núi Phia Oắc, thuộc xã Thành Công (H.Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), băng giá xuất hiện trong sáng 23.1. Băng giá đóng dày đặc, bám trắng xóa cành cây và vùng núi cao. Khách du lịch đổ về khu vực núi Phia Oắc để ngắm và chụp ảnh với băng giá. Dãy núi Phia Oắc có độ cao gần 2.000 m so với mặt nước biển, là đỉnh núi cao nhất của tỉnh Cao Bằng. Trong mùa đông năm nay, đây là lần thứ 2 xuất hiện băng tuyết tại đây.
Băng giá phủ dày trên cành cây, núi rừng khu vực núi Phia Oắc (Cao Bằng) - Ảnh: Trần Trang
Băng giá phủ dày trên cành cây, núi rừng khu vực núi Phia Oắc - Ảnh: Trần Trang

Có mặt tại khu vực núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) từ sáng sớm 23.1, anh Lê Trung Kiên (Hà Nội) cho biết băng tuyết xuất hiện dày đặc, bám trên các cọc sắt tường rào nhà dân, phủ trắng nhiều khu vực núi rừng. Đến chiều cùng ngày, khách du lịch nườm nượp đổ về núi Mẫu Sơn khiến các nhà nghỉ, khách sạn khu vực này “cháy” phòng.
Trong ngày 23.1, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư thông tin ngoài Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và khu vực núi Phia Oắc (Cao Bằng), nhiều vùng núi cao khác của các tỉnh miền núi phía bắc nhiều khả năng sẽ xuất hiện băng giá, mưa tuyết trong ngày tới.
Người Hà Nội đảo lộn sinh hoạt
Từ sáng sớm, nhiệt độ tại Hà Nội đã xuống khá thấp, gió thổi mạnh. Trên đường, ngoài áo ấm, mũ, khăn và găng tay, rất nhiều người điều khiển xe máy phải mặc thêm áo mưa để chống rét, dù trời không mưa.
Đến khoảng gần 9 giờ, mưa bụi lất phất càng khiến cái lạnh thêm se sắt. Đường phố Hà Nội gần như vắng người hơn. Đoạn đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, nhiều người bán hàng rong bỏ cả xe hàng để ngồi đốt sưởi vì giá rét, vắng khách mua. “Bình thường, bán hàng khá chạy, nhưng hôm nay rét, lại cuối tuần, công sở nghỉ nhiều, nên bán rất chậm, khách vãng lai cũng ít”, chị Nguyễn Thị Thơm, bán táo trên đường vành đai 3, co vội tấm áo mưa tránh gió, cho biết. Tay và môi thâm tím vì rét, chị cho biết đã mặc 5 áo, chưa kể áo mưa bên ngoài, mà đứng ở đường lộng gió, vẫn không ngừng run lập cập vì rét. “Đang ấm, rét đột ngột nên thấy tức hết cả ngực khi đứng lâu ngoài gió, chứ nghề của tôi dãi nắng dầm mưa quen, đâu phải khảnh khót gì...”, chị Thơm nói.
Trái ngược với không khí ảm đạm ở bờ hồ và các nơi vui chơi, khu vực bán khăn, mũ len tại phố Hàng Đào, Gia Ngư lại khá đông khách mua. Chị Thanh, nhân viên bán hàng tại đây cho biết từ chiều 22.1, lượng hàng bán chạy hơn so với những hôm trước đó. Khách chủ yếu hỏi mua khăn, mũ, găng tay với giá dao động 50.000 - 200.000 đồng một sản phẩm. Thị trường quạt sưởi, tủ sấy, chăn đệm... cũng được quan tâm hơn.
TP.HCM xuống dưới 20 độ C
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, bắt đầu từ hôm nay 24.1, không khí lạnh ảnh hưởng trực tiếp đến miền Nam và sẽ kéo dài trong vài ngày tới.
Nhiệt độ ở Xuân Lộc (Đồng Nai), Bình Phước có thể ở mức 18 - 19 độ C. Khu vực TP.HCM nhiệt độ cũng xuống dưới 20 độ C. Nhiệt độ thấp xảy ra vào thời điểm nửa đêm về sáng, còn giữa trưa nhiệt độ nhìn chung vẫn ở mức cao khoảng 33 độ C, nguyên nhân là do trời ít mây.
Bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo thời tiết, phân tích: Từ rạng sáng 24.1, không khí lạnh vượt qua đèo Hải Vân ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Nam. Do mới chịu tác động nên trong hôm nay 24.1, nhiệt độ các tỉnh miền Nam chỉ giảm nhẹ, đến ngày thứ hai sẽ giảm sâu, trời sẽ trở lạnh chứ không còn se se lạnh. Nhiệt độ ở khu vực Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh giảm sâu dưới 18 độ C, các khu vực ven biển nhiệt độ sẽ cao hơn. Riêng khu vực TP.HCM nhiệt độ dao động khoảng 19 độ C. Đến thứ tư, thứ năm nhiệt độ các tỉnh miền Bắc bắt đầu tăng trở lại thì nhiệt độ các tỉnh miền Nam vẫn còn duy trì ở mức thấp do không khí lạnh tràn xuống chậm hơn các tỉnh miền Bắc. Các tỉnh miền Tây nhiệt độ dao động từ 19 - 20 độ C, một số địa phương gần TP.HCM như Long An, Mỹ Tho (Tiền Giang) nhiệt độ có thể dao động từ 19 - 20 độ C.
Bà Lan cũng dự báo, kèm theo nhiệt độ giảm là hiện tượng sương mù dày đặc kéo dài đến trưa. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm rất cao lên đến 12 - 13 độ C; ban đêm nhiệt độ bình quân 18 - 19 độ C, còn ban ngày vào giữa trưa khoảng 31 - 32 độ C. Sương mù là do ô nhiễm không khí và khói bụi xe cộ gặp nhiệt độ lạnh không thoát được. Chênh lệch nhiệt cao cộng với sương mù sẽ ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe; người dân cần lưu ý đối với các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, huyết áp, đặc biệt với các trường hợp là trẻ con và người cao tuổi. Còn khu vực ven biển và các đảo sẽ có gió mạnh và giông, các tàu thuyền đi biển và tàu du lịch cần chú ý phòng tránh.
Chủ động phòng bệnh
Trước diễn biến thời tiết rét đột ngột, hôm qua Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng bệnh chủ động, trong đó chú trọng giữ ấm cơ thể; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm; sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu... và hạn chế đến những chỗ đông người để tránh nhiễm và lây lan mầm bệnh.
Áo ấm cho người vô gia cư
Trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn, nhiều chủ đề kêu gọi gom chăn, áo ấm cho người vô gia cư cũng sôi động hơn trong ngày Hà Nội xuống xấp xỉ 10 độ C. Trên Facebook cá nhân, Nguyễn Hoàng Chúc Anh (Hà Nội) cho biết cô kêu gọi gom chăn, áo, tất ấm cho người vô gia cư và nhận được khá nhiều ủng hộ. Tuần trước, Chúc Anh đã đứng ra gom một lần, đến 23.1 gom tiếp một lần nữa.
Trẻ em xã vùng cao Y Tý, H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai, co ro trong rét - Ảnh: Phan Hậu
Trẻ em xã vùng cao Y Tý, H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai, co ro trong rét - Ảnh: Phan Hậu

Fanpage Ấm - Từ thiện vì người vô gia cư và người có hoàn cảnh khó khăn với hơn 14.000 lượt thích trên mạng xã hội kêu gọi hỗ trợ quần áo ấm cho người dân vùng cao Mèo Vạc, Hà Giang và gói bánh chưng phát cho người vô gia cư ở Hà Nội. Đến nay, số lượng tình nguyện viên tham gia, theo người quản trị fanpage, đã đông đủ để sẵn sàng tham gia chương trình.
Anh Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.