Đồn phó biên phòng dặn 'không khai' và hứa lo cho vợ con lâm tặc

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
05/06/2018 12:12 GMT+7

Sáng 5.6, Tòa án Quân sự khu vực 1 Quân khu V (đóng tại Đà Nẵng) mở lại phiên xử sơ thẩm vụ phá rừng pơ mu gây thiệt hại hơn 3 tỉ đồng do chính lãnh đạo biên phòng cầm đầu.

Theo cáo trạng, bị cáo Lê Xuân Chính, nguyên đại úy, Đồn phó Đồn Biên phòng kiêm Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam), có quan hệ mật thiết với Nguyễn Văn Quang (lâm tặc, ngụ H.Nam Giang, Quảng Nam) và Tiêu Hồng Tư, Giám đốc Công ty CP Minh Hà (trụ sở tại TP.Đà Nẵng).
[VIDEO] Xét xử lãnh đạo biên phòng cấu kết với lâm tặc để phá rừng

Tháng 3.2016, Tư nói "cần lâm tặc" nên Chính đích thân lái ô tô của mình chở Quang đến giới thiệu để Quang tìm gỗ pơ mu, thông đỏ, dổi cho Tư và Chính dùng hoặc làm quà biếu.
Tháng 5.2017, Quang tìm được cánh rừng pơ mu ước tính trữ lượng 100 m3 gỗ tròn, khoảng 40 - 500 m3 gỗ xẻ nên quay phim về đưa Chính xem và mô tả vị trí. Chính đồng ý cho phá và trả giá 7 triệu đồng/m3 với điều kiện Quang phải đưa được gỗ ra đường cái và bốc lên xe.
Chính báo lại với Tư giá 8 triệu đồng/m3 và Tư đồng ý nói “giá như vậy chú xem làm được thì làm”. Sau đó, Tư chuyển cho Quang 100 triệu đồng, Quang thuê các bị cáo là lâm tặc phá rừng, xẻ gỗ theo quy cách với giá 1 triệu đồng/m3, thuê nhóm phu gỗ vận chuyển ra QL14D giá 4 triệu đồng/m3.
Đợt 1, nhóm lâm tặc theo lệnh Tư gửi gỗ ở Hải quan cửa khẩu nhưng hải quan phát hiện bất thường nên không cho gửi. Từ đó, Tư chuyển thêm cho Quang 100 triệu đồng và giục phải phá nhanh.
Đến tháng 7.2016, lực lượng tuần tra phát hiện vụ phá rừng, Nguyễn Thanh Cường (chủ quán nhậu ở H.Nam Giang) mật báo cho Chính để Chính bảo Quang tổ chức cho nhóm lâm tặc, phu gỗ trốn.
Khi thấy cơ quan chức năng vào cuộc, Chính cùng Tư tổ chức cho Quang trốn qua Lào, đổi số máy và dặn phải trốn từ 3 - 5 năm, nếu Quang bị bắt thì tự nhận, không khai ra Chính. 2 bị cáo này hứa sẽ lo cho vợ, con Quang ở nhà khi Quang đi tù.
Quang trốn ở Lào một thời gian thì chán và về Việt Nam, trốn vào TP.HCM và bị bắt.
Trước đó, tháng 1.2018, Tòa án Quân sự Khu vực I (Quân khu V) đã mở phiên sơ thẩm xử các bị cáo nhưng phải tạm hoãn vì xuất hiện mâu thuẫn trong việc tính số cây gỗ bị chặt hạ. Tòa tuyên đã trả hồ sơ và đến nay tình tiết này được xác định chính xác là 37 cây gỗ pơ mu bị chặt hạ, được tính gỗ thương phẩm là gần 48m3, tương đương gần 68m3 gỗ tròn, tổng giá trị thiệt hại gần 3 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, phiên tòa diễn ra trong 3 ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.