Tại phiên họp, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật này, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết hiện có 2 loại ý kiến khác nhau đối với tố cáo nặc danh. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định của Đảng và luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa chỉ người tố cáo.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong số này tố cáo sai chiếm 59,3%, còn lại 28,3% có đúng, có sai. “Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết”, ông Phan Văn Sáu nói.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, nên nhiều người không dám tố cáo các vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình. Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ nhất là phù hợp nên đã thể hiện nội dung này vào dự án luật.
Báo cáo thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định, cho hay Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến tương tự. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, vấn đề tố cáo nặc danh có cả hai mặt ưu điểm và nhược điểm. Theo ông Việt: “Cán bộ bây giờ tiêu cực tinh vi trên tài cả thanh tra, kiểm tra. Đội ngũ cán bộ phát minh sáng kiến phát triển đất nước tuy có, song chưa nhiều. Nhưng “sáng kiến” đối phó với chủ trương Đảng, Nhà nước còn... giỏi hơn”. Thế nhưng, quan điểm của ông Việt cũng là không nên xem xét giải quyết tố cáo nặc danh, vì trong bối cảnh hiện nay sẽ làm “loạn cả đất nước”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lại nhận định nếu không xem xét, xử lý tố cáo nặc danh sẽ dẫn đến bỏ qua nhiều vụ việc. “Những vụ việc gần đây cho thấy có trường hợp chỉ là một hiệu trưởng có vấn đề nhưng giáo viên đã không dám nói khác, chưa nói đến chuyện tố cáo”, ông Bình dẫn chứng.
Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng về nguyên tắc không xem xét các đơn nặc danh. Tuy nhiên, nếu các đơn thư có nội dung, bằng chứng cụ thể, rõ ràng thì cần phải được xem xét. Theo Chủ tịch QH, việc xem xét này để phục vụ công tác, quản lý lãnh đạo ở đơn vị có đơn thư tố cáo, trong trường hợp cần thiết sẽ có kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất. “Đơn nặc danh mà vứt vào sọt rác là chưa hết trách nhiệm”, Chủ tịch QH nói.
* Tại phiên họp chiều 14.3 khi Ủy ban TVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật Du lịch (sửa đổi), trong đó có quy định liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Theo quy định dự luật, quỹ sẽ huy động phần đóng góp của các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa và cùng với một phần ngân sách nhà nước...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, quy định quỹ là tổ chức tài chính nhà nước sẽ khó khả thi. “Nếu quy định thế người ta sẽ nói của nhà nước thì nhà nước tự bỏ tiền. Thực ra ở đây nhà nước chỉ bỏ vốn mồi thôi, như Thủ tướng đã nói là ngân sách sẽ chi 200 - 300 tỉ đồng còn lại huy động từ các nguồn khác. Quỹ phải có hội đồng quản lý nhiều thành phần chứ không chỉ có nhà nước. Không ai bỏ tiền để nhà nước quản lý muốn chia cho ai thì chia”, ông Định nói. Cũng theo ông Định, các quy định hình thành quỹ từ khoản thu trích từ phí thị thực nhập cảnh của khách du lịch, từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú, từ phí tham quan... đều không khả thi vì xung đột với luật Phí, lệ phí.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Theo Chủ tịch QH, việc lập quỹ này để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước nhưng phải đồng bộ phù hợp hệ thống pháp luật quản lý về thuế, ngân sách, tài chính...
Bình luận (0)