Động đất liên tiếp ở Sơn La, vì sao nhà cao tầng Hà Nội rung lắc?

27/07/2020 15:56 GMT+7

Trận động đất ở H.Mộc Châu (Sơn La) cường độ 5,3 độ Richter là động đất mạnh nhất từ đầu năm đến nay và khu vực này tương lai còn có thể có động đất lớn hơn, lên tới 5,5 độ Richter.

Trao đổi với Thanh Niên chiều nay, 27.7, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết khu vực H.Mộc Châu (Sơn La) liên tiếp xảy ra 2 trận động đất trong trưa cùng ngày, nằm trên đới đứt gãy sông Đà đang hoạt động địa chất diễn ra tương đối mạnh. Dự báo trong tương lai, khu vực này còn xuất hiện trận động đất mạnh với cường độ lên tới 5,5 độ Richter.
Ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, động đất 5,3 độ Richter ở H.Mộc Châu (Sơn La) là một trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận từ đầu năm 2020 đến nay. Ở cường độ này, khu vực mặt đất ở vị trí chấn tiêu có thể có rung động nền lên tới cấp 8 - cấp 9.
Dư chấn của động đất có thể lan truyền đi xa, theo đó, nhiều khu vực ở Hà Nội cũng cảm nhận được rung lắc khi người dân ở trên các tòa nhà cao tầng.
Mức độ cảm nhận độ rung lắc hay còn gọi là rung động nền phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền đất, khoảng cách đến tâm chấn và chất lượng công trình… Để đánh giá các rung động nền này thì cần phải có thiết bị đo đạc.
Công trình nào ở nền đất cứng không có cộng hưởng rung chấn từ động đất thì người dân ít cảm nhận được rung lắc. Công trình ở khu vực có nền đất yếu hơn thì có cộng hưởng rung chấn từ động đất nên cảm nhận sự rung lắc sẽ rõ hơn.
Người dân ở các tầng trên cao cảm nhận về động đất rõ hơn so người ở dưới tầng thấp hoặc mặt đất. Bên cạnh đó, người càng ở gần tâm chấn thì cảm nhận về động đất càng rõ hơn so với người ở cách xa tâm chấn.
Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong trưa nay, đã ghi nhận tại H.Mộc Châu liên tiếp xảy ra 2 trận động đất. Trận động đất thứ nhất xảy ra khoảng 12 giờ 14 phút 51 giây với cường độ 5,3 độ Richter, với độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km. Đến 12 giờ 39 phút 59 giây, đã ghi nhận thêm trận động đất thứ 2 có cường độ 3 độ Richer, với độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Giải thích về hiện tượng động đất “kép” này, ông Nguyễn Xuân Anh nói: “Thông thường, khi các trận động đất lớn xảy ra, sau đó thường có dư chấn kèm theo, giống như sạt lở đất, sạt lở ở chỗ này thì sẽ động đến những chỗ khác”.

Cận cảnh những ngôi nhà bị thiệt hại do động đất ở Sơn La

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.