Đột nhập ‘đại công trường’ đá đỏ trái phép - Kỳ 3: Đổi mạng người lấy đá

28/10/2015 05:58 GMT+7

Mong đổi đời nhờ đá đỏ (ruby), nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để chui xuống hầm sâu đào đất tìm đá, vung dao chém giết lẫn nhau và không ít người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

Mong đổi đời nhờ đá đỏ (ruby), nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để chui xuống hầm sâu đào đất tìm đá, vung dao chém giết lẫn nhau và không ít người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

Phu đá lách qua kẽ đá xuống đường hầm - Ảnh: Nam AnhPhu đá lách qua kẽ đá xuống đường hầm - Ảnh: Nam Anh
Có hai phương pháp khai thác đá chính mà dân phu đá vẫn quen gọi là đánh kẹp và làm máy. Khai thác đá đỏ bằng máy ít nguy hiểm hơn, còn khai thác kiểu đánh kẹp vô cùng nguy hiểm. Nhiều người đã bị đá đè chết, ngạt khí... bỏ mạng trong hang, hốc đá.
4 người đi, 3 người bỏ mạng
PV Thanh Niên theo chân những người đi rừng sâu thâm nhập khu vực Bãi Bằng để tìm hiểu cách khai thác đá đánh kẹp. Các phu đá cho biết: Phương pháp đánh kẹp tạo ra các đường hầm dài cả cây số dưới núi đá như hang chuột rừng. Để tạo ra những đường hầm này, việc đầu tiên là phải đánh giá khả năng xuất hiện đá đỏ bằng cách men theo các hõm núi, chỗ nào có nhiều khe núi, cát, xỉ đen thì nơi đó có “hàng”. Tiếp đến, họ mở lối vào bằng cách chặt cây rừng để khô, sau đó dồn củi vào vách đá nơi muốn mở cửa hầm để đốt. Công việc này mất vài ngày để những viên đá hóa thành vôi, sau đó người ta chỉ cần dùng búa đập nhẹ là đá vỡ ra. Lúc vào hầm, hễ chỗ nào vướng đá thì dồn củi vào đốt thành vôi.
Trở về thời kỳ cao điểm khai thác đá cách đây khoảng 25 năm thì tình hình phức tạp hơn rất nhiều. Thời kỳ đó các nhóm phải có vài khẩu AK 47, côn 6, dao kiếm... để hỗn chiến. Lúc nào trong rừng cũng thoang thoảng mùi hương trầm, nỉ non tiếng khóc bi ai, nên mỗi phu đá đều phải trang bị cho mình khả năng uống rượu, cầm đao, kiếm và súng thật chắc để bảo vệ tính mạng của chính mình. Đến cuối thập niên 1990, chính quyền địa phương phải huy động cả lực lượng đặc công, công an, các cơ quan chức năng tràn vào rừng, bao vây các mỏ đá, bắt nhiều người, thu giữ máy móc... thì tình hình trật tự mới được lập lại. Nhưng đến nay, lực lượng chức năng không còn vào chỗ rừng sâu núi thẳm này.
Ông Lục Văn Tình (65 tuổi), một người dân bản địa ở H.Lục Yên thường tham gia đào đá đỏ, tiết lộ đã có những người chết vì kiểu đánh kẹp, nhưng vì là khai thác lậu nên gia đình không khai báo. Bản thân ông Tình từng đưa xác 3 người bạn ra ngoài. Đó là lần nhóm ông đào được đường hầm đánh kẹp có độ sâu 250 m dưới lòng đất. Để đi hết đường hầm, nhiều đoạn phu đá phải lặn xuống nước bơi cả chục mét rồi mới chui lên được đoạn hầm khô ráo, thoáng khí. Vì đường hầm này có nhiều đá đỏ nên nhóm của ông quyết định “làm ăn lớn”, bỏ tiền mua một máy hút nước công suất 40 CV rồi tháo rời từng chi tiết để đưa vào cuối đường hầm lắp đặt, đãi đá ngay dưới đường hầm. Hôm đó, ông Tình được phân công vào đoạn hầm sâu đào đất, 3 người còn lại trực máy và đãi đá. Đến tầm 8 giờ tối, ông Tình quay ra thì thấy 3 người bạn đã chết tại chỗ do ngạt khí trong đường hầm, nên trở về báo cho gia đình họ. Ngày hôm sau, thi thể những người xấu số được thân nhân mang đi mai táng. Kể từ đó, ông Tình giải nghệ.
Chúng tôi thử chui xuống đường hầm mà dân quen gọi là đánh kẹp. Khác với không khí trên mặt đất, dưới đường hầm lúc nào cũng huyên náo bởi tiếng xúc đất, đập đá và các câu chuyện tiếu lâm của cánh đàn ông. Mỗi phu đá đều tự trang bị các dụng cụ gồm đèn pin, thuổng, búa, xà beng, cuốc chim và chậu sắt đựng đất. Thấy người lạ vào hầm, nhiều phu đá bất ngờ dừng lại rọi đèn vào mặt “khách không mời” rồi lao xao hỏi “ai đấy?”. Sau ít phút giới thiệu là khách mua đá, nhóm người trong hang lại tiếp tục công việc. Nhóm người này làm việc tùy hứng. Nghĩa là hôm nào trúng đá đỏ, bán được 20 - 30 triệu đồng, họ sẽ nghỉ làm sớm để uống rượu ăn mừng.
Vào rừng theo luật rừng
Hôm chúng tôi có mặt, một phu đá xăm kín hình chim đại bàng trên lưng đưa ánh mắt sắc như dao về phía chúng tôi gằn giọng: “Vào đây làm gì?”. “Vào xem đá”, chúng tôi trả lời. Nghe vậy, hắn chửi thề rồi truy hỏi ai đã dẫn đường cho chúng tôi. Lúc đó, người dẫn đường nhanh miệng đỡ lời: “Thằng em dưới xuôi mới lên, muốn vào xem anh em làm đá thế nào, anh em có hàng thì mua vài viên để tết làm quà biếu”. Nghe xong, phu đá kia ngoảnh mặt đi, tay châm điếu thuốc rít một hơi dài rồi về lán nằm.
Sau đó, chúng tôi lân la hỏi chuyện một thanh niên tên Tuấn. Người này trách: “Mày không biết điều gì cả. Mày vào mua đá cũng phải ăn nói cho lễ phép, có đầu có cuối. Ông ấy (ý nói phu đá xăm trổ vừa đi - PV) là đại ca chỗ này. Trong rừng này đếch có pháp luật gì đâu, thích thì chém, thích thì giết”.
Về câu chuyện “luật rừng”, một phu đá tên Hiệp kể hồi đầu tháng 10, nhóm của Hiệp trúng đá. Hôm đó, có một nhóm khác đến rủ ăn nhậu vì bẫy được mấy con chuột rừng. Trước khi vào cuộc rượu, “đại ca” hô ai có đá thì đem cất hết, đừng để nhậu nhẹt say xỉn vào rồi tranh cướp lẫn nhau. Hiệp bỏ hàng vào cái chai nhựa vùi xuống đất dưới gầm sàn. Buổi nhậu hôm đó có một kẻ của nhóm khác say rượu chúi đầu xuống sàn nôn ọe. Đến buổi chiều Hiệp moi đá lên thì không còn thấy viên ruby đâu nữa. Bực tức, đại ca hô cả nhóm mang dao, côn nhị khúc đi đòi lại, nhưng không thấy kẻ say rượu trong cuộc nhậu đâu. Vậy là mất toi cả trăm triệu đồng.
Theo Hiệp, ngoài mối nguy hiểm từ đá đè, chém giết lẫn nhau, một số phu đá còn phải đối mặt với nguy cơ khác đó là một số căn bệnh lạ, hiểm nghèo. Chẳng hạn như Hiệp bị mất vị giác ở đầu lưỡi, sau đó lưỡi cứng lại, chuyển màu đen giống như đá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.