Du khách Nhật bãi nại, xích lô 'chặt chém' có thoát tội?

Phan Thương
Phan Thương
11/08/2019 07:56 GMT+7

Liên quan đến thông tin sau khi tìm ra người xích lô “chặt chém”, cụ Oki trình bày với báo chí rằng không muốn đòi lại tiền cũng như xem xét trách nhiệm hình sự, để ông Dũng có cơ hội suy nghĩ, sửa đổi.

Liên quan đến vụ người đạp xích lô ở TP.HCM “chặt chém” một du khách Nhật 2,9 triệu đồng cho một cuốc xe chỉ... 5 phút, có thông tin nạn nhân thông qua người thân ở VN cho biết không muốn xem xét trách nhiệm hình sự nghi phạm. Động thái này liệu có giúp người đạp xích lô tránh bị truy cứu hình sự?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, liên quan đến vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an Q.1 (TP.HCM) vừa chuyển hồ sơ lên Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Tự lấy tiền trong bóp nạn nhân

Trước đó, như Thanh Niên ngày 4.8 phản ánh, sáng 3.8 ông Oki Toshiyuki (83 tuổi, du khách Nhật Bản) ra khỏi khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng (P.Bến Nghé, Q.1) đang đi bộ dạo chơi gần đó thì một người đạp xích lô đến gần và đeo bám theo ông. Khi đến gần chợ Bến Thành, người xích lô tỏ ý muốn chở ông về khách sạn và ông đồng ý. Trên đoạn đường ngắn từ đó về lại khách sạn, ông Oki rất cảm kích trước ý tốt của người đạp xích lô và có ý định gửi 500.000 đồng để cảm ơn. Tuy nhiên, người đạp xích lô chỉ thả ông gần khách sạn và khi ông rút bóp ra lấy 1 tờ 500.000 đồng đưa thì người này đòi thêm. Ông Oki cũng đồng ý, nhưng chưa kịp lấy thêm tiền thì người đạp xích lô thò tay vào bóp lấy thêm 4 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng của ông rồi nhanh chóng rời đi.
Vụ việc khiến dư luận phẫn nộ, yêu cầu truy tìm người đạp xích lô “chặt chém” để xử lý nghiêm.
Tiếp nhận thông tin từ báo chí, Công an Q.1 vào cuộc điều tra, truy tìm người đạp xích lô. Qua trích xuất hàng trăm camera, đến ngày 6.8, Công an Q.1 xác định người đạp xích lô “chặt chém” cụ Oki là ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Hiện ông Dũng đang bị tạm giữ hình sự về hành vi “cướp giật tài sản”.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Dũng thừa nhận không báo giá trước với khách. Khi chở ông Oki tới nơi thì Dũng nhận tiền công 500.000 đồng khách đưa và “xin thêm tiền bồi dưỡng”. “Tưởng ông ấy đã già, lấy tiền chậm nên tôi... tự ý lấy trong bóp của ông 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và 2 tờ mệnh giá 200.000 đồng. Rốt cuộc, tôi tự lấy 2,4 triệu đồng và 500.000 đồng tiền công rồi đạp xích lô bỏ đi”, Dũng khai với cơ quan điều tra.

Cướp hay công nhiên chiếm đoạt tài sản?

Xung quanh hành vi Dũng “tự tiện” lấy của khách 2,4 triệu đồng, dư luận cũng dấy lên tranh luận đây là cướp giật tài sản hay công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) phân tích: Hai tội danh trên có nhiều dấu hiệu định tội giống nhau. Khác nhau cơ bản của hai tội danh này ở chỗ: tội cướp giật là chiếm đoạt nhanh chóng tài sản rồi rời đi; công nhiên chiếm đoạt là lợi dụng hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như thiên tai, tai nạn... để chiếm đoạt tài sản.
Đối chiếu trường hợp của Dũng, LS Công cho rằng cơ quan CSĐT xác định hành vi “cướp giật tài sản” là phù hợp. “Mặt khách quan của tội này thể hiện qua dấu hiệu như: có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai và nhanh chóng, thực hiện trước mặt mọi người một cách táo bạo bất ngờ và dứt khoát trong một thời gian rất ngắn. Việc phạm tội chỉ dựa vào sự nhanh nhẹn của bản thân và sự sơ hở của người bị hại, hay trường hợp người bị hại không đủ khả năng bảo vệ tài sản, chẳng hạn như trẻ em, người già, phụ nữ... để giật lấy tài sản của họ và tẩu thoát”, LS Công phân tích.
Nguyên thẩm phán TAND tối cao, bà Nguyễn Thị Kim Vinh, cũng cho rằng hành vi của Dũng là cướp giật tài sản. “Phải hiểu rằng, ông Oki đang xòe bóp của mình, lấy tiền đưa thêm cho Dũng, nhưng Dũng bất ngờ thò tay vào tự ý lấy tiền rồi rời đi nhanh chóng, đưa một cụ hơn 80 tuổi rơi vào thế không chống đỡ, không thể dùng tốc độ với sức yếu ớt của cụ để chạy theo lấy lại tiền trong trường hợp muốn lấy lại”, bà Vinh nêu quan điểm.

Nạn nhân có bãi nại cũng chỉ là “tình tiết giảm nhẹ”

Liên quan đến thông tin sau khi tìm ra người xích lô “chặt chém”, cụ Oki trình bày với báo chí rằng không muốn đòi lại tiền cũng như xem xét trách nhiệm hình sự, để ông Dũng có cơ hội suy nghĩ, sửa đổi. Vậy trong trường hợp ông Dũng tự nguyện trả lại 2,9 triệu đồng và cụ Oki có đơn xin không xem xét trách nhiệm hình sự với Dũng thì liệu tài xế xích lô này có được khoan hồng?
Theo LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM), bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có điều luật quy định một số tội danh chỉ khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của người bị hại, gồm khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của bộ luật Hình sự năm 2015. “Do vậy, với tội cướp giật tài sản theo điều 171 bộ luật Hình sự năm 2015, dù không có yêu cầu của bị hại nhưng nếu hành vi của bị can có đủ dấu hiệu cấu thành tội thì cơ quan tố tụng vẫn xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự”, LS Hoan nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo LS Hoan, nếu bị hại là cụ Oki không nhận lại tiền đã bị Dũng chiếm đoạt hoặc sau này cụ có làm đơn xin không truy cứu trách nhiệm hình sự với Dũng, thì theo luật định các tình tiết trên là cơ sở, tình tiết giảm nhẹ để các cơ quan tiến hành tố tụng giảm nhẹ hình phạt cho Dũng.
Theo một cán bộ điều tra của Công an TP.HCM, việc Công an Q.1 (TP.HCM) chuyển hồ sơ và nghi phạm Phạm Văn Dũng để Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục điều tra theo thẩm quyền do có yếu tố người nước ngoài. Vị cán bộ này cũng cho biết, do nạn nhân đã trở về Nhật nên cơ quan công an chưa ghi nhận được lời khai bị hại. Tuy nhiên, thông qua đường ngoại giao, cơ quan công an sẽ sớm ghi nhận lời khai của bị hại để hoàn tất thủ tục tố tụng.
Đàm Huy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.