Dưới 15 tuổi mới được làm con nuôi

02/11/2009 16:34 GMT+7

(TNO) Ngày 2.11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thừa ủy quyền của Thủ tướng đọc Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật con nuôi.

Báo cáo thẩm tra dự án luật trên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) tán đồng với việc ban hành Luật con nuôi. “Việc ban hành luật này nhằm bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất các quy định của pháp luật về con nuôi, khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trên 200.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật; hàng vạn trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo cần được chăm sóc, chữa trị.

(Tờ trình của Chính phủ)

So với dự luật được trình bày tại Phiên họp thứ 23 (tháng 9.2009) của Ủy ban Thường vụ QH, dự luật được gửi tới QH ngày 2.11 đã có những chỉnh sửa quan trọng.

Cụ thể là, dự luật trình QH ngày 2.11 không quy định hai hình thức “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn” như dự thảo đã trình trước đó.

Dự luật trình QH cũng bỏ những quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp là cơ quan giới thiệu trẻ em VN là con nuôi người nước ngoài mà đưa ra một quy trình giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài mới. Theo đó, một Hội đồng tư vấn do Giám đốc Sở Tư pháp là Chủ tịch, các thành viên gồm đại diện Công an tỉnh, Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội, Sở Y tế… để tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc cho trẻ em làm con nuôi. Bộ Tư pháp tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước thông qua hoạt động kiểm tra việc thực hiện.

Điều 14 và Điều 30 dự luật quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người từ đủ 15 tuổi trở xuống. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết, đa số các ý kiến của Ủy ban này đề nghị quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người dưới 16 tuổi để đảm bảo sự thống nhất trong quy định về độ tuổi trẻ em trong hệ thống pháp luật (theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi).

Về điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi, Điều 14 và Điều 30 quy định có sự khác nhau giữa điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi của người nước ngoài và trong nước. Ủy ban Pháp luật bày tỏ: “Việc trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài hay trong nước cũng đều là giải pháp thay thế gia đình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Vì vậy không nên phân biệt về điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước và ngoài nước”.

Theo Điều 16 dự luật, cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng và không tìm được người nhận trẻ em làm con nuôi thì báo cáo với UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm tìm biện pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc niêm yết tại trụ sở Ủy ban trong thời hạn 30 ngày. Hết 30 ngày mà không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm lập hồ sơ và danh sách để gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đề nghị Bộ Tư pháp thông báo trên cổng thông tin điện tử.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.