Găm xăng chờ giá, có trị được không ?

29/08/2012 03:20 GMT+7

Ngoài việc cho phép doanh nghiệp (DN) được tăng giá xăng dầu, tại cuộc họp báo hôm qua (28.8), ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trước tình trạng găm hàng của nhiều đại lý kinh doanh xăng dầu, quan điểm của Bộ Tài chính muốn tăng nặng mức xử phạt.

Găm xăng chờ giá, có trị được không ?
Trạm xăng dầu số 8 Gia Định (Q.Gò Vấp, TP.HCM) để bảng “hết xăng” to tướng - Ảnh: Hoàng Việt

Theo ông Thỏa, tính tới hôm qua có hơn 10 DN đăng ký tăng giá xăng Ron92 thêm 1.482 đồng/lít so với giá hiện hành, dầu diezen là hơn 947 đồng/lít, dầu hỏa là 1.088 đồng/lít và madut có giá cơ sở là 704 đồng/lít.

 
Xăng tăng 650 đồng/lít

Từ 18 giờ ngày 28.8 Saigon Petro, và sau đó là Petrolimex đã áp dụng giá bán lẻ xăng dầu mới. Theo đó, xăng Ron92 tăng 650 đồng/lít (23.650 đồng/lít), dầu diezen 300 đồng/lít (21.850 đồng/lít), dầu hỏa 450 đồng/lít (21.900 đồng/lít).

Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà nước - DN - người tiêu dùng, liên bộ đã quyết định giữ nguyên mức thuế suất xăng ở mức 12%, các loại dầu, dầu diezen 10%, madut 12%. Đồng thời cho phép DN được sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG) 500 đồng/lít xăng (tăng thêm 200 đồng/lít so với thời điểm 13.8) và các loại dầu 300 đồng/lít, kg.

“Phạt vài chục triệu chưa đã”

Vì sao Bộ Tài chính chỉ chú trọng nguồn thu, mà không giảm thuế để chia sẻ với người tiêu dùng?

Hiện nay thuế đang quy định thấp hơn khá nhiều so với mức quy định như xăng, dầu hỏa phải là 20%, nhưng mới áp 12%, diezen 15% nhưng để 10%, madut 15% để ở mức 12%. Trong bối cảnh năm nay phải thực hiện nhiều cân đối ngân sách, đã thực hiện giãn, giảm thuế… nên quyết định giữ nguyên thuế suất. Đồng thời, để cân đối lợi ích các bên, tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít trong tính giá cơ sở của DN. Ngoài ra, qua đợt thanh tra kiểm tra vừa rồi, chi phí kinh doanh của DN hầu hết đều vượt định mức 600 đồng/lít nhưng trong giá cơ sở vẫn tính mức này. Vì vậy, phương án lần này chỉ còn cách động viên thuyết phục người tiêu dùng chia sẻ ở mức độ nhất định nhưng không quá cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua chưa đúng như những gì Bộ trưởng Bộ Tài chính tuyên bố vì lợi ích của hơn 80 triệu người dân?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu, và điều hành xăng dầu vì lợi ích của dân. Thực tế, trong đợt điều chỉnh lần này, DN đã hy sinh 300 đồng lợi nhuận định mức khi Bộ yêu cầu không tính vào giá cơ sở. Ngoài ra, ý của Bộ trưởng nên hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức là điều hành xăng dầu vì lợi ích đầu tiên đảm bảo đủ xăng cho người dân dùng. Mạng lưới xăng dầu phải đến được tay người tiêu dùng, kể cả thành thị, vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Thứ ba, giá cả ở mức có thể chấp nhận được còn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Trong vòng 10 ngày nữa giá tiếp tục tăng, liệu có giảm thuế không, thưa ông?

10 ngày nữa nếu giá xăng thế giới tiếp tục tăng, căn cứ tình hình diễn biến xấu thì áp dụng các biện pháp tổng hợp để xử lý, chứ tôi không dám hứa giảm thuế để không giảm giá. Đến thời điểm đó sẽ cân nhắc, còn hiện nay thuế đang phải cân đối rất nhiều khoản trong ngân sách.

Sau mỗi quyết định tăng giá, các cây xăng đều có hiện tượng găm giữ hàng. Theo ông, phải xử lý như thế nào?

Vừa rồi dư luận nêu hiện tượng này, rất may có sự phối hợp của liên bộ, do Bộ Công thương chủ trì đã tổng kiểm tra tất cả các đơn vị, qua đó phát hiện có 2 đơn vị vi phạm đã công bố công khai. Muốn xác định hành vi găm hàng phải có điều tra cụ thể, căn cứ lượng hàng bán ra hằng ngày, hằng tháng nhất là gần thời điểm có thông tin tăng giá. Ví dụ, ngày bình thường lượng bán 5 tấn/ngày, nếu tự nhiên bán 1 tấn, còn tồn trong kho mà người mua vẫn khó là chắc chắn có hành vi găm giá. Tuy nhiên luật pháp đã có quy định, hành vi trên cần phải triệt tiêu, cơ quan có trách nhiệm sẽ kiểm tra, kiểm soát, kể cả xử lý nghiêm như rút giấy phép, chứ còn phạt vài chục triệu đồng như thời gian qua bản thân tôi thấy cũng chưa đã lắm, vì họ găm rồi để giá tăng bán ra hưởng lãi cao hơn, cũng đã bù đủ chỗ bị phạt.

Lỗ/lãi có đúng như công bố ?   

 

Khi thuế nhập khẩu tăng lên, DN sẽ chuyển ngay lô hàng tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa để hưởng chênh lệch về thuế rẻ hơn… Nếu việc này được các DN thực hiện từ tháng 5 tới nay, không cần tính cũng thấy rõ, lợi nhuận thu được từ chênh lệch thuế là rất lớn

Ông Phạm Văn Hồng, Phó chi cục trưởng Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3

Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã tăng tổng cộng 6 lần, với lý do giá thế giới cao, đầu mối lỗ nặng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Hồng, Phó chi cục trưởng Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 cho biết, trước đây theo Nghị định 12, DN vẫn chuyển từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa bình thường. Nhưng thời gian qua khi thuế nhập khẩu xăng dầu tăng liên tục, số lượng xăng dầu tạm nhập tái xuất được DN có văn bản xin được chuyển sang kinh doanh tiêu thụ nội địa tăng lên nhiều so với thời điểm khi thuế nhập khẩu xăng dầu còn thấp.

Đây là lý do Cục Hải quan TP.HCM đã có kiến nghị và mới đây, Tổng cục Hải quan trong Văn bản 162 đã yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM tạm ngừng việc cấp phép cho các lô hàng tạm nhập tái xuất từ 15.8, trừ các DN có hoạt động mua bán với Campuchia, Lào mới tiếp tục cho tạm nhập.

Ông Hồng phân tích, theo quy định thời gian tạm nhập của hàng hóa là 120 ngày, cộng với 2 lần được gia hạn (mỗi lần 30 ngày) vô điều kiện nếu DN có nhu cầu, tổng thời gian DN được lưu hàng tại cảng là 180 ngày. Khoảng thời gian quá dài này đã tạo ra kẽ hở cho DN lợi dụng khi chính sách thuế luôn có những thay đổi. Thực tế, từ tháng 5 tới nay, thuế nhập khẩu xăng dầu đã liên tục thay đổi, ngày 10.5 tăng từ 0% lên 3%, từ 24.5 tăng 3 - 4%, từ 8.6 tăng 4  - 7%, từ 22.6 tăng 7 - 10% và 3.7 tăng 10 - 12%. Đáng nói, thời điểm tính thuế với các lô hàng tạm nhập tái xuất chuyển sang kinh doanh tiêu thụ nội địa là khi mở tờ khai tạm nhập tái xuất. Tức là khi thuế nhập khẩu tăng lên, DN sẽ chuyển ngay lô hàng tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa để hưởng chênh lệch về thuế rẻ hơn. Ông Hồng cho biết, đang thống kê số lượng xăng dầu chuyển đổi. Nhưng nếu việc chuyển đổi này được các DN thực hiện “mạnh tay” từ thời điểm tháng 5 tới nay, không cần tính cũng thấy rõ, lợi nhuận thu được từ chênh lệch thuế là rất lớn. 

Rõ ràng, chỉ với “chiêu” này, các đầu mối đã có thể nhập được hàng giá rẻ. Con số lỗ/lãi thực sự có đúng như DN công bố mỗi lần đòi tăng giá hay không, rất cần được Bộ Công thương, Bộ Tài chính làm rõ, để có sự công bằng thực sự cho người tiêu dùng.

Hết hàng tới sát giờ tăng giá

Gần 8 giờ sáng ngày 28.8, cây xăng số 462 Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) của Công ty CP hóa dầu Miền Nam vẫn rào chắn im ỉm, tấm bảng “hết xăng” nhỏ xíu treo bên trong. Đội Quản lý thị trường (QLTT) Q.Tân Phú đến kiểm tra, đo bồn nhưng bồn hết xăng. Đại diện cây xăng trình bày: Trạm hết hàng từ 10 giờ tối 27.8 và đã đặt mua từ sáng cùng ngày. Theo hẹn của nhà cung cấp thì 10 giờ sáng 27.8 sẽ có phiếu nhận hàng nhưng đến 4 giờ chiều cùng ngày Công ty CP hóa dầu Miền Nam mới nhận được phiếu hàng nên không kịp lấy, đành bị “hết xăng” bán.

Nhiều cây xăng dọc QL1A (thuộc Bình Dương, giáp ranh TP.HCM) quy mô rất lớn nhưng 2 ngày gần đây vắng khách một cách bất thường. Khảo sát đến đầu giờ chiều ngày 28.8, nhiều cây xăng này vẫn mở cửa, vẫn có nhân viên túc trực nhưng dường như chỉ để đối phó lực lượng chức năng. Khách đến nhân viên “trốn” bên trong.

Một cây xăng trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) lại bị “đứt” xăng A95, còn xăng A92. Đến gần 4 giờ chiều Trạm xăng dầu số 8 Gia Định - đại lý bán lẻ Công ty TNHH MTV hóa dầu Quân đội (Phạm Văn Chiêu, P.9, Q.Gò Vấp) vẫn để bảng “hết xăng” to tướng, phía trước rào chắn chỉ chừa khoảng trống nhỏ.

    Hoàng Việt

Anh Vũ - Mai Hà

>> Lại đề xuất tăng giá xăng
>> Doanh nghiệp lại đề xuất tăng giá xăng dầu
>> Tăng giá xăng khiến chỉ số giá tăng 0,3%
>> Tăng giá xăng, CPI “đội” thêm 0,85%
>> Chưa tăng giá xăng dầu, chỉ trích quỹ bình ổn giá
>> Chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.