Gần 9.000 người sau cai nghiện hồi gia

19/09/2006 23:35 GMT+7

Sau 5 năm tập trung cai nghiện ma túy, đến nay có khoảng gần 9.000 người đã hết hạn tập trung, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng tại TP.HCM. Một vấn đề lớn là làm thế nào để giúp họ "làm lại cuộc đời"…

Từ "3 giảm" và 30.000 người nghiện...

Để có đủ chỗ cho hơn 30.000 người tập trung cai nghiện cùng lúc, TP.HCM đã đầu tư rất lớn cả nhân sự lẫn tiền bạc; liên hệ xin đất xây dựng 18 trung tâm cai nghiện (TTCN) rải rác ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... Tiền ăn cho người cai nghiện, tiền lương và các khoản trợ cấp cho công chức Sở LĐ-TB-XH và lực lượng TNXP; lực lượng bảo vệ, y-bác sĩ phục vụ... mỗi năm, ngốn ngót nghét 600 tỉ đồng ngân sách.

Ông Nguyễn Thành Tài - Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Địa phương sẽ tư vấn và giúp tìm việc làm

* Nếu tái nghiện thì có thể trở lại trung tâm thêm 5 năm

"Đề án tập trung cai nghiện là một bước đột phá của TP.HCM. Không chỉ cai nghiện, TP còn đầu tư dạy văn hóa, mở các lớp đại học, dạy nghề...  Khi các em về gia đình, tôi đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị thật kỹ khâu tư vấn cho các em; giúp các em học nghề, tìm việc làm, nhất là phải đặc biệt quan tâm đến gia đình các em hồi gia thuộc diện "xóa đói giảm nghèo". Phải làm công việc này với tất cả tình thương và trách nhiệm. Khi về, các em sẽ mặc cảm và bỡ ngỡ, do vậy thái độ đối xử của gia đình và xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế thấp nhất khả năng tái nghiện của các em. Khi xét cho các em về, đồng thời chúng tôi cũng gửi kèm theo danh sách và tình trạng sức khỏe, tay nghề các em cho địa phương để biết, có hướng giúp đỡ.

Một yếu tố quyết định khác để tránh cho các em trở lại con đường cũ là phải chuyển hóa cho được các địa bàn ma túy. Chúng tôi đang nghiên cứu một số mô hình của Trung Quốc trong việc dùng thuốc giảm tác hại của ma túy đối với những em có nguy cơ tái nghiện.

TP đã và đang nỗ lực hết mình để giúp các em. Tuy nhiên, nếu các em vẫn tái nghiện thì buộc lòng chúng tôi phải khởi tố hình sự theo luật định, hoặc ít nhất cũng phải tiếp tục tập trung cai nghiện 5 năm nữa”.

Một chuyên gia của một tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong một buổi làm việc với UBND TP, khi nghe chủ trương này đã cho rằng đó làm một việc làm "táo bạo", đầy nhân bản. Vì hầu như chưa có một nơi nào trên thế giới, ngay như Singapore - một nước giàu có với GDP cao ngất ngưởng trên thế giới, thì người nghiện ma túy cũng không được đối xử tốt đến như vậy. Khó khăn ban đầu đặt ra rất nhiều, nhưng lúc đó Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết (nay là Chủ tịch nước) và các nhà lãnh đạo TP vẫn nhất quyết "tuyên chiến" với ma túy. Ông Nguyễn Thành Tài - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã nhiều lần nói rằng đó là cách để TP và xã hội "giành giật lại từng số phận con người".

...đến ngày trở về

Bà Mai Ngọc Điệp (ngụ đường Hưng Phú, P.8, Q.8) cho biết: con trai bà là Nguyễn Hồng T. đi nghĩa vụ về tìm được một chỗ làm thu nhập cũng kha khá, không hiểu sao lại sa vào nghiện ngập. T. vừa được hồi gia sau gần 5 năm tập trung cai nghiện tại TTCN Bình Triệu. Hiện nay, T. đi học tiếng Nhật ban đêm, ban ngày phụ mẹ ở cửa hàng bán gas, chở bình gas bỏ mối cho khách. Trao đổi với chúng tôi về đứa con một thời lầm lỡ, ba mẹ T. vui như vừa... nhặt được vàng. "Cũng may, qua thời gian cai nghiện cháu đã nhận thức rất tốt, giờ thấy bạn cũ chỉ gật đầu chào, rồi tránh xa không dám tụ tập nữa", ba T. nói.

Cũng là một học viên sắp rời trung tâm, em Chu Quang Ngẫm - học viên TTCN Bình Đức, mang tâm trạng khó tả. Hôm được trao quyết định cho tái hòa nhập cộng đồng, Ngẫm nghẹn ngào: "Từ hình hài thân tàn ma dại, đã có lúc em bất chấp tất cả, không còn nghĩ gì đến bản thân,  gia đình. Thế mà hôm nay (...). Em tâm niệm "quay đầu lại là bờ" và em đã quay đầu lại để giũ bỏ những lỗi lầm quá khứ". Ngày Ngẫm trở về, đến đón em, có nhiều người thân của em ở Củ Chi, có cả anh công an khu vực nơi Ngẫm thường trú đến. Họ đã ôm chầm nhau trong niềm vui vô bờ.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, hiện nay hội đồng xét duyệt cho người sau cai hồi gia đang trong giai đoạn rất khẩn trương, mỗi tuần sẽ xét cho 300-400 người. Từ đây đến cuối năm sẽ hoàn tất cho 8.000-9.000 người sau cai được hồi gia.

Nỗi lo "việc làm và tái nghiện"

Có một thực tế nghiệt ngã: Những khu lao động nghèo, đông dân cư là những nơi có nhiều người nghiện ma túy nhất! Phường 8, quận 8 - dưới chân cầu Chữ Y, có khoảng 2.000 hộ dân chen chúc ven hai bên rạch, chủ yếu sống bằng các nghề làm thuê, đạp xích lô, chạy xe ôm... Nhưng nơi đây, lại có đến 3 điểm mua bán và 9 tụ điểm hút chích. 171 người nghiện được phát hiện đưa đi cai, và 35 em trong số đó đã chết vì AIDS. Ông Lê Văn Mai - Bí thư Đảng ủy P.8 cho biết, ma túy đã hoành hành "phường nghèo nhất Q.8" trong suốt một thời gian dài. "Ở đây, có lúc người dân ra tiệm thuốc tây mua ống chích nhiều hơn mua thuốc ", ông Mai nói. P.8 có 12 em được xét cho hồi gia trong đợt mới đây, và một nửa trong số đó đang bị các bệnh cơ hội như lao, tiêu chảy. Ông Lý Ngọc Nghĩa - Chủ tịch phường lo lắng: "Chính quyền địa phương đã liên hệ với các cơ sở sản xuất, các cơ quan xí nghiệp xin việc cho người hồi gia, nhưng họ không nhận".

Ai cũng biết những người cai nghiện hồi gia thường tỏ ra mặc cảm với người chung quanh về quá khứ u tối của mình. Họ rất cần được cảm thông, động viên chia sẻ. Một trong những điều kiện để họ không quay lại con đường nghiện ngập là công ăn việc làm. Nhưng đây lại là khó khăn lớn nhất. Biết rõ khó khăn này, UBND TP đã ban hành nhiều quy định yêu cầu chính quyền địa phương, Phòng LĐ-TB-XH, các đoàn thể tìm cách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người hồi gia. Nhưng những "mệnh lệnh hành chính" đó cũng không thể xoay chuyển được tình hình. "Nắm tình hình, đa số các doanh nghiệp hạn chế tiếp nhận người hồi gia vì nhiều lý do: trình độ chuyên môn, sức khỏe...", không giấu giếm, ông Nguyễn Hải Vân - Chủ tịch UBND P.5, Q.11 đã trả lời đoàn giám sát HĐND như vậy.

Nhưng một nỗi lo khác còn lớn hơn là: tái nghiện. Thông thường, tỷ lệ tái nghiện của những người đã cai ma túy rất cao. Tại các TTCN Bình Triệu, chúng tôi biết có không ít người đã tự nguyện vào đây cai đến 9-10 lần, nhưng vẫn không dứt bỏ được ma túy. Mới đây, trả lời đoàn giám sát của HĐND TP, chính quyền P.8, Q.8 cho biết: "Có một học viên từng bị tập trung cai và đã hết nghiện. Nhưng em này đã trốn trường về nhà lại tiếp tục sử dụng ma túy". Hôm tiếp đoàn giám sát của HĐND TP, chính quyền P.5, Q.11 còn nêu thêm một khó khăn khác mà người dân vẫn còn tâm lý... rất ngại, đó là người sau cai nhiễm căn bệnh thế kỷ. Họ đề nghị chính quyền TP nên có chính sách quản lý riêng đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS, không nên cho về địa phương vì "khi biết mình bị bệnh, số người này dễ lây bệnh cho cộng đồng". Tất nhiên, đề nghị đó không được đoàn giám sát chấp nhận. Theo chính quyền P.5, Q.11, phường này từng là địa bàn trọng điểm phức tạp về tệ nạn xã hội với rất nhiều quán cà phê đèn mờ, nhà trọ, bến xe buýt, trạm trung chuyển rác... là môi trường rất dễ tác động đối với 241 người nghiện của phường sắp tái hòa nhập cộng đồng nay mai. Nếu không có việc làm, bị xã hội xa lánh thì việc tái nghiện rồi sinh ra trộm cướp là điều khó tránh khỏi đối với những người hồi gia tại phường này.

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.