Gây tai nạn làm 9 người chết chỉ bị... phạt tiền

Phan Thương
Phan Thương
27/01/2019 08:03 GMT+7

Điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định gây tai nạn làm 9 người chết, nhưng tòa án lại xử các bị cáo được phạt tiền thay phạt tù, khiến dư luận băn khoăn.

Viện - Tòa “chỏi” nhau

Đầu tháng 1.2019, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tàu Petrolimex 14 đâm chìm tàu Hải Thành 26-BLC trên biển hồi tháng 3.2017 khiến 9 thuyền viên trong tổng số 11 người trên tàu Hải Thành thiệt mạng.
HĐXX bác kháng cáo đề nghị tăng hình phạt của các đại diện gia đình bị hại, tuyên y án sơ thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo đó, bị cáo Trần Kiên (35 tuổi, thuyền phó tàu Petrolimex 14) bị phạt 700 triệu đồng, Nguyễn Xuân Sang (30 tuổi, thuyền viên tàu Petrolimex 14) bị phạt 650 triệu đồng. Với 2 bị cáo nguyên thuyền trưởng tàu Hải Thành 26 là Nguyễn Viết Thắng (47 tuổi) và thuyền viên Hoàng Tiến Khôi (28 tuổi), mỗi người bị phạt 300 triệu đồng về tội “điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN” theo điều 284 BLHS 2015.
Trước đó, tại phiên tòa, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội dẫn đến hậu quả đặc biệt khiến 9 người chết. Cấp sơ thẩm tuyên phạt tiền các bị cáo là không đủ sức răn đe giáo dục chung. Vì vậy, cần chấp nhận kháng cáo của các đại diện gia đình bị hại. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác chưa được làm rõ liên quan đến phần dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiếp tục điều tra xét xử lại.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định vụ tai nạn dẫn tới 9 người chết. Các bị cáo bị truy tố trong khung hình phạt có mức phạt tiền nên cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo hình phạt tiền thay vì phạt tù là đúng quy định. Trong vụ án này do lỗi hỗn hợp nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Từ đó, bác kháng cáo của gia đình các bị hại.
Theo cáo trạng, vụ tai nạn xảy ra trên biển Vũng Tàu. Cơ quan điều tra xác định lỗi trực tiếp là bị cáo Kiên và Sang không làm tốt công tác cảnh giới. Trong lúc trực điều khiển tàu, Kiên đã bỏ đi khỏi vị trí trực, Sang không thực hiện việc trực theo sự chỉ đạo của Kiên mà đi lên phía trước buồng lái nhìn xuống mặt sàn boong... Lỗi gián tiếp là thuyền viên Khôi trong ca trực mặc dù đã phát hiện thấy tàu Petrolimex 14 đang di chuyển đổi hướng nhưng không có hành động để tránh đâm va phù hợp; thuyền trưởng Thắng khi cho tàu xuất bến thấy thiếu 2 thủy thủ trực ca và 1 thợ máy trực ca so với định biên an toàn tối thiểu mà vẫn cho tàu rời cảng.

Không sai, nhưng “khó răn đe”

Theo các chuyên gia pháp luật, BLHS 2015 mở rộng phạm vi các trường hợp có thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Tuy nhiên, điều kiện để được áp dụng hình phạt tiền luật chưa quy định, dẫn đến có thể sẽ bị áp dụng chưa phù hợp, không có tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, nêu điều 35 BLHS 2015 quy định phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do bộ luật này quy định; người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do bộ luật này quy định. Đồng thời, mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1 triệu đồng.
“Trong vụ án báo nêu, dù thiệt hại của vụ án là 9 người chết, thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng do khoản 3 điều 284 BLHS cũng quy định với việc gây ra hậu quả này thì khung hình phạt của các bị cáo chỉ từ phạt tiền 500 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm và phù hợp với điều 35 BLHS về áp dụng hình phạt tiền, rằng “người phạm tội rất nghiêm trọng về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng” nên tòa áp dụng đối với các bị cáo không sai”, LS Hoan phân tích.
Tuy nhiên, theo LS Hoàng Văn Hùng, Đoàn LS TP.Hà Nội, vấn đề đặt ra ở đây là nếu tòa áp dụng phạt tiền là hình phạt chính thì cần phải yêu cầu các bị cáo hoặc người nhà bị cáo chứng minh tài chính về khả năng thi hành án, nếu không sẽ rơi vào trường hợp án không thi hành được, đồng thời ấn định thời gian phải chấp hành án. “Nhưng hiện nay, quy định pháp luật vẫn đang bỏ ngỏ vấn đề điều kiện áp dụng hình phạt tiền và nếu cơ quan tiến hành tố tụng tùy tiện áp dụng sẽ tạo tiền lệ không tốt, khiến hình phạt không còn tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm”, LS Hùng đánh giá.
Trước đó, năm 2017, thẩm phán Ngô Ngọc Thắng (TAND TP.HCM), từng áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối Hà Thị Thùy Dương (cựu tiếp viên hàng không Hãng Asiana Airlines, Hàn Quốc) nộp 1,2 tỉ đồng về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” theo khoản 3, điều 189 BLHS 2015. Để tuyên mức phạt này với Dương, thẩm phán Thắng cho biết trước khi phiên tòa diễn ra, Dương có nộp cho tòa một cuốn sổ tiết kiệm để chứng minh tài chính. Thời điểm xét xử, Dương đang nuôi con nhỏ và có đủ khả năng tài chính để nộp phạt ngay nên HĐXX đã chấp nhận.
“Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính mà HĐXX không xem xét khả năng tài chính, thi hành án của các bị cáo thì thẩm phán đang tự lấy dây buộc mình”, thẩm phán Thắng chia sẻ.

Được hưởng án treo dù gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Ngày 26.12.2018, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt và không cho 2 bị cáo Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc, trụ sở số 2 Phạm Ngọc Thạch, P.9, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) được hưởng án treo. Trước đó, ngày 26.11.2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt 2 bị cáo cùng mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, về tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Viện KSND cấp cao tại TP.HCM phân tích, 2 bị cáo có hành vi điều động tàu BP 12-04-02, là phương tiện giao thông đường thủy nội địa, không có công dụng vận tải hành khách, không đảm bảo an toàn vào vận chuyển hành khách theo tuyến đường thủy từ Tiền Giang về Vũng Tàu... gây hậu quả làm 9 người chết cùng những thiệt hại khác về tài sản, thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; hành vi phạm tội của 2 bị cáo được quy định tại khoản 3, điều 214 BLHS năm 1999, khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù. Tuy nhiên, TAND TP.HCM lại xử phạt các bị cáo mức án dưới khung và chỉ bằng 1/2 mức thấp nhất của khung hình phạt mà các bị cáo phạm vào là quá nhẹ, không nghiêm, không phù hợp với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.