(TNO) Có trách nhiệm đưa khách bị từ chối nhập cảnh về lại Việt Nam và đóng phí lưu giữ khách cho nhà chức trách Singapore, các hãng hàng không tổn thất lớn.
Cô gái đang đưa tay che mặt là người mai mối cho nhiều cô gái trẻ Việt Nam sang Singapore tìm chồng. Họ đang ngồi chờ vài cô gái khác còn đang bị nhân viên ICA thẩm vấn bên trong - Ảnh: Thục Minh
|
Kỳ 2: Các hãng hàng không kêu trời
Hãng hàng không nào không may mang hành khách bị xếp diện NTL đến Singapore thì có trách nhiệm mang trả họ về nơi xuất phát, đồng thời phải đóng phí 17 SGD (280.000 đồng)/khách/giờ bị tạm giữ, cùng phí áp giải họ từ chỗ này đến chỗ khác trong sân bay. Đó là quy định và nguồn thu của ICA, được áp dụng từ khi đối tượng NTL xuất hiện, đại diện một hãng hàng không Việt Nam tại Singapore nói với Thanh Niên Online.
Trung bình, phí “lưu kho” một khách NTL cho đến khi đưa được họ lên máy bay về nước là 350 - 360 SGD. Cộng với chi phí vận chuyển họ về Việt Nam, hiện nay, trung bình mỗi tháng, hãng này thiệt hại từ 45.000 - 50.000 SGD, vị đại diện cho biết và than thở: “Thiệt hại như thế làm sao chúng tôi chịu nổi”.
Những hành khách bất hảo
Một cựu đại diện hàng không Việt Nam tại Singapore cho Thanh Niên Online hay, thường thì khách NTL không có tiền, hoặc có tiền nhưng không chịu đóng phạt và trả tiền vé bay về. Vì vậy, hãng hàng không phải gánh chịu hoàn toàn. Trong mọi tình huống, hãng hàng không luôn cố sắp xếp đưa họ về nước sớm nhất để giảm phí “lưu kho”, trừ khi các chuyến bay về kế tiếp của hãng đều kín chỗ.
Nhưng ác nghiệt hơn, là khi hãng bay gặp phải những hành khách thuộc loại chai lì, ăn vạ. Bị nhân viên ICA áp giải ra máy bay để về nước, họ ngồi thụp xuống ngay cửa máy bay, không chịu vào ghế, gây ảnh hưởng đến chuyến bay và những hành khách khác. Buộc lòng, hãng bay phải nhờ an ninh sân bay đưa họ trở lại phòng cách ly, “lưu kho” tiếp.
“Phòng cách ly có ti vi, máy lạnh, được ăn uống đàng hoàng. Họ cứ ở lỳ đó đến một tuần thì phí “lưu kho” lên đến hàng ngàn SGD. Hãng hàng không đến khốn khổ”, vị này chia sẻ.
Ông cũng nói thêm rằng, cái khó là ICA không hỗ trợ buộc khách NTL phải lên máy bay, bởi cơ quan này lập luận rằng đối tượng NTL không phải là tội phạm nên không thể cưỡng chế mạnh tay được.
Cách đây vài năm, có trường hợp hãng hàng không phải nộp phạt đến 30.000 SGD do khách NTL khăng khăng ở lại để chờ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore can thiệp. “Nếu không nộp đủ khoản tiền này, nhà chức trách Singapore tuyên bố sẽ giữ máy bay”, vị cựu đại diện kể.
An ninh sân bay Changi giữ các cô gái Việt mà họ từ chối cho nhập cảnh tại phòng chờ lên máy bay để về nước - Ảnh: Thục Minh
|
Những chiêu trò tinh quái
Một người hoạt động trong ngành hàng không nói với Thanh Niên Online rằng ông rất lấy làm tiếc vì có những khách Việt Nam đến Singapore với mục đích chính đáng như du lịch, thăm thân nhân, hoặc có việc này việc nọ, nhưng bị nhân viên ICA xếp nhầm vào diện NTL. Khi bị từ chối nhập cảnh, dù rất bức xúc, những người này vẫn tuân thủ mọi sắp đặt và chỉ mong về nước sớm.
Điều đáng nói là, khi ra quyết định từ chối nhập cảnh đối với bất kỳ hành khách nào, ICA chỉ thông báo cho hãng hàng không rằng khách bị từ chối “vì lý do xuất nhập cảnh” (immigration reason). Điều đó là không công bằng và gây khó về lâu dài cho những hành khách chân chính.
Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận có những hành khách sang Singapore làm việc bất chính, bị trả về là rất xác đáng.
Không những lao động bất hợp pháp như mại dâm, trộm cắp, làm việc chui, gây mất an ninh trật tự cho địa bàn sở tại, một số trong những đối tượng này còn rất tinh quái, qua mặt hãng bay và ICA bằng nhiều chiêu trò.
Cụ thể, họ mua vé một chiều bay vào Singapore của những hãng bay cao cấp như Vietnam Airlines, Singapore Airlines; nhưng vé bay về thì họ chỉ mua cho có của những hãng giá rẻ, để hợp thức hóa quy định khách phải có vé bay về trong thời hạn 30 ngày. Nếu họ bị trả về, chính các hãng bay cao cấp bị thiệt hại nặng, bởi họ chỉ mua vé của hãng lượt đi, nhưng hãng phải chịu trách nhiệm đưa họ về.
Các đối tượng đi với mục đích lao động bất chính, nếu qua lọt, thường tìm cách luồn lách để ở lại lâu nhất có thể và vứt bỏ vé lượt về giá rẻ, cho đến khi không thể kéo dài lưu trú hoặc bị bắt và trục xuất.
Cũng có khách mua vé khứ hồi của một hãng cao cấp, nhưng khi qua trót lọt thì hủy vé chiều về để lấy lại phần tiền vé chưa sử dụng, và bắt đầu hành trình luồn lách kéo dài thời gian lưu trú.
“Tất cả những chiêu trò này chắc chắn có người rất rành rõi bày cho họ”, vị này nhận định.
ICA nói gì?
|
Bà Tham không đề cập các yếu tố mà dựa trên đó các nhân viên ICA đánh giá hành khách. Nhưng theo nhiều người có kinh nghiệm làm việc tại sân bay cũng như xuất, nhập cảnh Singapore, quyết định của các nhân viên ICA đôi khi có phần cảm tính, tùy thuộc vào cá tính lẫn tâm trạng của họ, mà không dựa trên một chuẩn mực cố định nào. Vậy nên, chuyện “qua ải” nhập cảnh Singapore đối với khách Việt có khi cũng là... hên xui.
Bà Tham cũng khuyên thân nhân những hành khách chân chính khi đi đón người nhà, nếu không may phải chờ quá lâu do người nhà bị đưa vào phòng thẩm vấn thì kiên nhẫn gọi số điện thoại +65 6214 8427, là số máy của Airport Duty Office, bộ phận phụ trách thẩm vấn hành khách, để nắm thông tin của người nhà và trao đổi thêm với nhân viên ICA như một hình thức bảo chứng cho hành khách.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của phóng viên Thanh Niên Online từng đi đón khách và gặp tình huống này, số điện thoại nói trên thường xuyên bận. Người nhà cũng có thể liên hệ bàn hỗ trợ thông tin (Information) nằm gần cửa ra của nhà ga để nhờ họ gọi vào số máy trên.
Trong một lần trao đổi tại quầy Information, nhân viên ở đây thừa nhận với phóng viên rằng đúng là gần đây khách bị đưa vào phòng thẩm vấn nhiều hơn trước. Lý do, theo bà này, là ICA ngoài việc muốn loại những khách không mong đợi, còn muốn lấy thông tin cá nhân như hình ảnh, dấu vân tay của những khách nhập cảnh Singapore lần đầu. “Nhưng họ không lấy thông tin của mọi hành khách mà chỉ lấy ngẫu nhiên một số”, bà khẳng định.
Bà này cũng trấn an rằng nếu hành khách có mục đích nhập cảnh chính đáng, có địa chỉ và số điện thoại liên lạc của nơi khách sẽ lưu trú ở Singapore thì nhân viên ICA sẽ gọi để xác minh trước khi ra quyết định. Dù vậy, một số người nói với phóng viên rằng họ không nhận được cuộc gọi nào của ICA khi người thân họ bị trả về.
* Trong bài tiếp theo, Thanh Niên Online sẽ đề cập những kinh nghiệm có thể giúp những hành khách chân chính tránh việc bị xếp oan vào diện NTL, cũng như việc các hãng hàng không đưa ra các biện pháp tự bảo vệ họ.
Bình luận (0)