|
tin liên quan
Chuyện về tổ nghiệp sân khấu - Kỳ 3: 'Giải mã' cách cúng tổ của nghệ sĩTheo ông Nghê, do ảnh hưởng từ nhà văn hóa Đào Tấn, các cụ tổ họ Trần cũng như nhiều nhà nho khác ở Bình Định không coi các kép hát, đào hát là “xướng ca vô loài”, trái lại còn biết soạn tuồng, lên sân khấu biểu diễn hát bội. Vị tổ thứ 8 của tộc Trần ở Cảnh Vân là ông Trần Trọng Giải (người dân gọi là ông Tú Giải) đỗ tú tài khoa năm 1915 (khoa Ất Mão) rất mê hát bội.
Trong lần sinh nhật cụ Đào Phan Duân (người H.Tuy Phước, đỗ Phó bảng tại khoa thi Hội năm 1895, đời vua Thành Thái), các nhà nho trong tỉnh Bình Định tổ chức biểu diễn vở tuồng Diễn võ đình để chức mừng. Ông Tú Giải được phân công đóng vai Bao Công và làm Quản ca tổ chức biểu diễn trên sân khấu, quản lý mọi việc trong hậu trường.
Ông Nghê kể, khi diễn đến lớp tuồng gian thần Bàng Hồng tới dinh Vương Quý tìm bắt Triệu Khánh Sanh thì Bao Công được cấp báo đã kịp thời đến nơi đuổi Bàng Hồng để cứu Triệu Khánh Sanh. Khi Bao Công (do ông Tú Giải thủ vai) nói với Khánh Sanh: Nhìn mặt cháu dòng châu lã chã/ Phải chi chậm chân già thì vóc vạc... ủa mà vóc ngọc đã tồi tàn. Ngay lúc đó, cụ Đào Phan Duân đang ngồi đánh trống chầu liền vứt roi chầu, chụp lấy chiếc khăn trên đầu mình ném tung lên sân khấu để tán thưởng.
Theo lý giải của nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch (ở TT.Bồng Sơn, H.Hoài Nhơn, Bình Định), các nhà nho Bình Định vốn rất mê tuồng cụ Đào Tấn, xem như “khuôn vàng thước ngọc”, cứ theo kịch bản mà diễn. Trong kịch bản của cụ Đào Tấn chỉ viết: Nhìn mặt cháu dòng châu lã chã/ Chậm chân già vóc ngọc tồi tàn. Nhưng ông Tú Giải khi đóng vai Bao Công đã thêm các chữ: Phải chi, thì, vóc vạc... ủa mà. Triệu Khánh Sanh là một tráng sĩ, vì tránh kẻ thù là Bàng Hồng mà đành phải giả gái đến sống chung với con gái Vương Quý. Khi Bao Công đến phủ Vương Quý, nhìn Triệu Khánh Sanh trong trang phục tiểu thư mà vóc dáng là nam nhi nên nhận ra ngay, nên mới nói “vóc vạc... ủa mà vóc ngọc”.
Việc sửa tuồng cụ Đào Tấn của ông Tú Giải càng làm nổi bật tư cách của Bao Công, chứng tỏ nhân vật này vừa tinh ý, vừa có quyết ý từ trước để cứu con kẻ tôi trung bị gian thần hãm hại.
|
Vào năm 1932, các tỉnh Bắc kỳ bị bão lũ, mất mùa, người dân bị đói khắp nơi, triều đình nhà Nguyễn kêu gọi các tỉnh Nam kỳ, Nam Trung kỳ cứu tế. Các nhà nho Bình Định thành lập một đoàn hát biểu diễn lấy tiền để đi cứu tế đồng bào, ông Tú Giải được cử làm trưởng đoàn. Đoàn hát này quy tụ được nhiều nhà nho như các ông Cử Phùng, Tú Dư, Hàn Thuyền, Đốc Tố, Tổng Khiết, Nghị Hối… Vì đoàn không có đào (diễn viên nữ) nên các ông nghè phải đóng đào, trong đó ông Nghè Thiên (ở xã Phước Hưng, H.Tuy Phước) đóng đào được nhiều khán giả ưa thích.
“Đoàn đã biểu diễn khắp tỉnh Bình Định, thu về một món tiền rất khá mang nộp cho tỉnh để gửi ra miền Bắc cứu trợ đồng bào, rồi giải tán. Nhờ đó, quan đầu tỉnh Bình Định đề nghị thưởng ông Tú Giải hàm Hàn lâm tu soạn, giữ chức Tri huyện Tân An. Ông Tú Giải từ chối, nhường lại phần thưởng cho người phụ tá của mình là ông Mạc Như Tòng”, ông Nghê kể.
Ăn đòn vì chê tuồng của cụ Đào Tấn
Theo ông Đoàn Khánh Ngọc (ở thôn Mỹ Yên, xã Bình Hòa, H.Tây Sơn, Bình Định), võ sư Đoàn Phong (1893 - 1954, cha ông Ngọc) rất mê hát bội. Khoảng năm 1930 - 1935, ở H.Bình Khê (nay là H.Tây Sơn) có một thầy thuốc kiêm thầy phong thủy từ nơi khác đến sinh sống khá nổi tiếng. Do chơi thân với quan huyện và giới nhà giàu nên thầy thuốc này tỏ ra coi thường những nhân sĩ, trí thức ở địa phương.
Một đêm tháng Giêng, làng Kiên Mỹ (nay thuộc TT.Phú Phong, H.Tây Sơn, Bình Định) tổ chức hát bội mừng xuân, diễn vở Cổ miếu vãn ca của cụ Đào Tấn. Hát xong, xã trưởng mời những người có vai vế lại mê hát bội trong huyện đi ăn khuya và uống rượu, trong đó có cả vị thầy thuốc và cụ Đoàn Phong.
|
Trong lúc ăn, người thì khen diễn viên đóng vai Tiết Giao diễn đạt, kẻ chê diễn viên đóng vai Nguyệt Cô chưa diễn tả được tánh dâm đãng của con hồ ly... Lúc đó có một người nói: “Một bổn tuồng dâm dật làm tổn thương danh giáo như thế mà được hoan nghênh. Chỉ có người Bình Định 'sơn bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá, nữ đa dâm' mới ưa thích”.
Câu nói vừa dứt thì người này bị Đoàn Phong đá văng ra khỏi quán, miệng hộc máu tươi. Xã trưởng phải cho cõng người nọ, hóa ra là vị thầy thuốc kiêm thầy thủy kia, về nhà.
Quan tri huyện cũng muốn bên ông bạn thầy thuốc nhưng biết các nhân sĩ, võ sư ở Bình Định rất bất bình nên cũng làm thinh cho qua chuyện.
Bình luận (0)