Gian nan những bước tìm dầu: Đâu có lửa là ta cứ đi

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
30/04/2018 08:36 GMT+7

Từ tháng 5.1975, Công ty dầu khí nam VN (thuộc Tổng cục Dầu khí VN) được thành lập, bao gồm Đoàn địa chất 21, Đoàn địa vật lý 22...

Hàng trăm cán bộ kỹ sư công nhân từ miền Bắc đã đưa gia đình, hành quân vào miền Nam để tìm dầu, khí.
Trực thăng khảo sát chở... gạo chống đói
Những người cao tuổi ở Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) vẫn nhớ hình ảnh những “anh chị giải phóng” mặc quân phục Tô Châu, nói giọng Bắc nhưng chẳng bao giờ mang súng, suốt ngày lăn lóc với máy móc, đường ống ở đường Trần Hưng Đạo. Đó là những cán bộ kỹ sư công nhân đầu tiên của Đoàn địa vật lý 22 được thành lập giữa năm 1975 để tìm tài nguyên tại khu vực ĐBSCL. Trụ sở của đoàn ban đầu tại nhà dân ở TX.Vĩnh Long, sau chuyển về số 68 Trần Hưng Đạo và một bộ phận ở cảng Bình Thủy, TP.Cần Thơ.
Ông Nguyễn Đăng Liệu, kỹ sư địa vật lý, nhớ lại: Lúc ấy tình hình an ninh xã hội còn rất phức tạp, đời sống gian khổ khó khăn. Anh em ngoài bắc vào đã không có chế độ cung cấp thì chớ, lại không có chỗ ở phải tìm các phòng khách sạn bỏ hoang mà ở tự do, ăn uống tại các quán cơm vỉa hè. Chuyến khảo sát đầu tiên tại ĐBSCL thực hiện từ ngày 9 - 19.12.1975 nhằm tìm hiểu các điều kiện thực tế để chuẩn bị ký kết hợp đồng với Công ty CGG của Pháp và bằng máy bay trực thăng UH1A do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 bố trí, trên khu vực ĐBSCL và hải đảo Đông Nam bộ.
Bộ trưởng phụ trách dầu khí Đinh Đức Thiện (bìa trái) trong chuyến khảo sát công tác thăm dò dầu khí tại miền Nam cuối năm 1976
Trưởng đoàn khảo sát Trương Minh nhớ lại: “Trực thăng lái chính là trung tá phi công chế độ cũ, lái phụ là đại úy không quân nhân dân VN xuất phát từ Tân Sơn Nhất, hạ xuống Trà Nóc tiếp xăng dầu rồi bay tiếp theo sông Tiền, sông Hậu, kênh Phụng Hiệp qua sông Ông Đốc, TX.Cà Mau và hạ xuống căn cứ Năm Căn để tiếp xăng dầu và nghỉ ngơi. Hôm sau chúng tôi bay ra Hòn Khoai, hạ cánh gần ngọn hải đăng. Trên đường trở về TP.HCM, trung tá phi công cho máy bay hạ xuống Đồng Tháp Mười để ghé thăm quê nhà, nên chúng tôi được cho mấy bao gạo trắng để bổ sung cho các bữa ăn toàn bo bo và khoai mì thời đó”. Cũng chuyến khảo sát này, đoàn đã tìm thấy cọc mốc trắc địa chuẩn quốc gia được xây dựng từ những năm 1930 và các mốc định vị cho hoạt động thăm dò trên biển, được dựng ở Côn Đảo, Bình Thuận.
Báo cáo kết quả khảo sát là cơ sở để Tổng cục Dầu khí và Công ty CGG của Pháp ký hợp đồng thăm dò địa chất ở ĐBSCL. Cuối năm 1975, ông Lê Văn Cự, Giám đốc Công ty dầu khí nam VN, đã lập tờ trình gửi T.Ư Đảng và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam VN về kế hoạch triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu mỏ và khí đốt bằng phương pháp địa chấn ở ĐBSCL và ven biển Đông Nam bộ. Lần đầu tiên, chúng ta đồng ý thuê Công ty CGG của Pháp dùng tàu Gémeaux (có 16 - 22 chuyên gia điều khiển tàu và các loại máy móc, kiêm đào tạo cho cán bộ VN) cùng thiết bị địa chấn nông để tiến hành nghiên cứu khu vực với khối lượng tuyến khoảng 2.300 km. Các phương tiện phục vụ, bảo đảm an toàn, an ninh với 17 tàu thuyền (10 - 12 tàu hải quân) làm đủ mọi việc từ dò mìn, cấp cứu, bảo vệ, dọn chướng ngại vật, cung cấp nguyên vật liệu, phục vụ ăn ở sinh hoạt... đều do phía VN đảm nhận.
Suýt đụng đầu Polpot
Đoàn địa chất dầu khí 21 trực thuộc Công ty dầu khí nam VN được thành lập ngày 19.12.1975, trụ sở tại TP.Vũng Tàu, có nhiệm vụ tổ chức khảo sát và nghiên cứu địa chất vùng trũng Cửu Long và bờ biển Trung bộ, nhân sự lúc đông nhất là 158 người.
Ông Đoàn Thiện Tích, nguyên cán bộ đoàn, nhớ lại: Để tới được các điểm lộ quan sát, mô tả, lấy mẫu các tuyến miền Đông Nam bộ - Lâm Đồng, các nhóm phải nhờ đến bộ đội địa phương, du kích dẫn đường và bảo vệ, đề phòng tàn quân và Fulro tấn công. Việc ăn ở sinh hoạt hằng ngày đều phải nhờ đến đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đến UBND H.Tân Phú (Đồng Nai) thực hiện khảo sát một số điểm lộ bổ sung ở huyện Định Quán - Long Hà, anh em hỏi: “Điểm nào là an toàn?”. Cán bộ huyện thật thà: “Từ cổng UBND huyện trở ra, không nơi nào là an toàn” khiến cả nhóm toát mồ hôi hột.
Cán bộ công nhân Đoàn địa vật lý 22 và chuyên gia Nga tại trụ sở của đoàn tại TX.Vĩnh Long cuối năm 1975
Với các nhóm khảo sát miền Tây Nam bộ, phải thuê ghe dân chèo trên các sông rạch lấy mẫu địa hóa, mẫu khí, nước tự do. Những lúc vào địa bàn xa xôi, phải gạn nước phèn trong chum của dân làm nước canh ăn với cơm và đốt củi chống muỗi để ngủ.
Vất vả nhất là nhóm khảo sát tuyến biển Tây Nam, đến các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Hòn Rái, Hòn Nghệ, An Thới, Thổ Chu, Nam Du... Ông Chu Kim Chung, cán bộ đoàn, kể: Tàu nhổ neo vừa ra khỏi Rạch Giá đã có nhiều người say sóng. Ra đến Phú Quốc chỉ còn 8 người đủ sức làm việc, nên chia thành 2 nhóm quyết tâm đi khảo sát các đảo theo kế hoạch. Khu vực này ngay sau 30.4.1975 bị lính Polpot liên tục quấy phá nên mọi việc ăn ở đều phải nhờ Trung đoàn Hải quân đánh bộ 101. “Khi nhóm tôi đến khảo sát núi Thạch Động, Hà Tiên, Kiên Giang chỉ cách biên giới 500 m, ăn ở nhờ trong UBND xã Mỹ Đức. Xong việc sớm nên nhóm rút, sáng đi thì chiều nghe tin lính Polpot ập vào khu vực này lúc gần trưa san bằng trụ sở, giết hàng chục người”, ông Chung kể. (còn tiếp)
...“Tháng 4.1976, tôi cùng 46 cán bộ nhân viên của Đoàn địa chất 36C (Bắc Giang) và 36B (Hưng Yên) đi vào Vũng Tàu để thành lập Đoàn địa chất dầu khí 21, thuộc Công ty dầu khí nam VN. Do di chuyển cả gia đình, nên xe tải phải thay nhau đưa người, đồ đạc từ Bắc Giang, Hưng Yên lên ga Hàng Cỏ, nhồi lên 2 toa tàu hỏa chạy vào Vinh, sau đó chuyển xe khách đi vào Sài Gòn (do đường sắt chưa thông). 3 ngày 2 đêm chạy liên tục thì tới Sài Gòn, do ăn uống dọc đường không đảm bảo vệ sinh nên nhiều người ốm, y tá phải chăm sóc rất vất vả. Xuống trụ sở số 4 Hoàng Hoa Thám (Vũng Tàu) chúng tôi xếp 2 gia đình ở chung 1 phòng, số độc thân thì nằm vạ vật ngoài hành lang. Tháng 5.1976, các gia đình cán bộ công nhân mới được chuyển về “Làng phế binh cũ” ở P.Thắng Tam, TX.Vũng Tàu (nay thuộc P.8, TP. Vũng Tàu). Đây là khu nhà cấp 4 dành lưu trú cho các thương phế binh của quân đội VNCH, xây từ năm 1960 nên xuống cấp nghiêm trọng, cứ mưa là dột khắp nơi nên các gia đình phải mua ni lông che chắn. Thời gian này bao cấp, mọi lương thực, nhu yếu phẩm phải lấy tại Biên Hòa. Tuy sống gần vựa lúa ĐBSCL nhưng do không được lưu thông nên lương thực lấy về toàn loại dự trữ đã 2 - 3 năm, chỉ 30% là gạo, còn lại là khoai mì khô, bột mì, bo bo và cả chuối xanh.”...
Ông Lê Quang Trung, nguyên Đoàn trưởng Đoàn địa chất dầu khí 21
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.