Giăng bẫy lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc: Loay hoay phòng, chống

04/06/2018 04:48 GMT+7

Nếu như tội phạm buôn bán người trước đây chỉ xảy ra ở vùng biên giới, thì nay đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước với nhiều chiêu thức tinh vi. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp ngăn chặn.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai, trong số 71 vụ án buôn bán người được phát hiện trong năm 2017, có nhiều vụ cả đối tượng, nạn nhân bị bán đều ở các tỉnh như Sơn La, Yên Bái. Khó khăn mới trong công tác phá án, điều tra loại tội phạm này là các đối tượng không trực tiếp xuất hiện đưa dẫn các nạn nhân mà sử dụng ĐTDĐ để hướng dẫn di chuyển về khu vực biên giới, bố trí người đón. Trong khi đó, cách thức tuyên truyền tại các địa phương vẫn theo kiểu truyền thống, lỗi thời.
Tuyên truyền suông mãi không “thấm”
Ông Mùa A Đế, Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, thông tin: “Năm nào xã cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền tội phạm buôn bán người. Chúng tôi đưa vào các cuộc họp thôn nhưng nhận thức của bà con, đặc biệt ở thôn vùng cao, vùng sâu vùng xa còn hạn chế nên dễ tin vào “bánh vẽ” việc làm thu nhập cao, cuộc sống sung túc mà không biết mình bị lừa bán”.
Theo khảo sát của UBND xã Xà Hồ, đến nay có khoảng 80% số hộ có ít nhất 1 chiếc ĐTDĐ. Qua điện thoại này, những kẻ xấu tiếp cận phụ nữ, cô gái mới lớn để lừa gạt. Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Trạm Tấu, cho biết khi nạn nhân trở về trình báo, tố cáo đến công an và cung cấp thông tin, các ngành chức năng mới nhận diện phương thức hoạt động của loại tội phạm này để tìm giải pháp phòng tránh nhưng thực tế gặp rất nhiều khó khăn. “Trước đây, đối tượng lạ mặt phải đến địa bàn, thì chúng tôi phát hiện, kiểm soát được, nhưng bây giờ họ không cần xuất hiện nữa, mà liên lạc qua ĐTDĐ dụ dỗ điều khiển nạn nhân từ xa thì không cách nào phát hiện, phòng ngừa”, ông Tuấn bày tỏ.
Tại tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, thừa nhận nếu tiếp tục tuyên truyền theo kiểu truyền thống mời đến nghe hoặc phát tờ rơi rất khó “thấm” với người dân, nhất là đồng bào dân tộc. Gần đây, chi cục đã phối hợp với các trường học trên địa bàn dành riêng các tiết học giáo dục công dân về nội dung này. Ngoài ra, những nạn nhân mua bán người trở thành các tuyên truyền viên đi nói chuyện tại trường học, các phiên chợ cuối tuần... Nhờ đó số vụ án buôn bán người tại một số địa bàn trọng điểm giảm hẳn.
Giăng bẫy lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc: Loay hoay phòng, chống1
Tội phạm buôn bán người chọn địa bàn hẻo lánh để lừa gạt các nạn nhân
Lập đường dây hỗ trợ khẩn cấp
Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Tệ nạn (Bộ LĐ-TB-XH), khẳng định nạn nhân khi trở về địa phương được xem xét hỗ trợ học nghề. Việc tổ chức dạy nghề do hệ thống các trung tâm dạy nghề tại địa phương thực hiện. Ngoài ra, nạn nhân khi trở về nếu thuộc hộ nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng tiền trợ cấp khó khăn ban đầu. Nạn nhân nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh sẽ được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Hiền nhìn nhận, các thủ tục chứng minh khá phức tạp, nhiều nạn nhân tự trở về, không còn giấy tờ tùy thân, phải chờ cơ quan chức năng lập chuyên án, truy tìm thủ phạm... mới được nhận tiền hỗ trợ. Mức hỗ trợ rất thấp, không đủ để nạn nhân bắt đầu lại cuộc sống mới.
Theo ông Hiền, Bộ LĐ-TB-XH đang yêu cầu các địa phương rà soát số nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác có liên quan giai đoạn 2011 - 2015 để đề xuất phương hướng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân. Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo các địa phương triển khai đề án Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán và thực hiện quy trình về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đặc biệt đối với nạn nhân là trẻ em. “Bộ LĐ-TB-XH đang triển khai cơ chế chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân trong những trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như cần được bảo vệ, vào các cơ sở bảo trợ xã hội, hỗ trợ về y tế, thai sản...”, ông Hiền cho biết.
10.000 cuộc gọi báo tin tội phạm buôn bán người
Theo thông tin từ đường dây nóng phòng, chống mua bán người 1800.1567 do Bộ LĐ-TB-XH quản lý, từ khi đi vào hoạt động (tháng 10.2013) đến nay đã tiếp nhận hơn 10.000 cuộc gọi, trong đó 232 cuộc gọi được kết nối chuyển tuyến cho lực lượng công an và các bên liên quan, giải cứu 92 nạn nhân.
Nếu như năm 2014 đường dây nóng tiếp nhận 1.250 cuộc gọi phản ánh, cung cấp thông tin, thì năm 2016, số lượng cuộc gọi phản ánh tình trạng này tăng gấp 3 lần năm 2014, số cuộc gọi phải chuyển tuyến cũng tăng hơn 3 lần. Năm 2017, số lượng cuộc gọi và phải chuyển tuyến chưa có dấu hiệu giảm. Đáng báo động, trẻ em là đối tượng bị mua bán nhiều nhất, chiếm 52,6% số cuộc gọi phải can thiệp, chuyển tuyến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.