Giỗ tổ, hướng về nguồn cội

26/04/2018 06:59 GMT+7

Cơn mưa lớn từ sáng sớm không ngăn được dòng người từ khắp các tỉnh thành đổ về Khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) dâng hương tưởng niệm các vua Hùng trong ngày Giỗ tổ hôm qua 25.4 (tức 10.3 âm lịch).

Tại Điện Kính Thiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) đã diễn ra trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hàng chục ngàn người dân đã tham dự lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng.
Nhớ lại tổ tông, tìm về cội rễ
Đúng 6 giờ sáng, trong tiếng nhạc lễ âm vang, đoàn dâng hương với đội nghi trượng uy nghiêm, đoàn cờ phướn lộng lẫy khởi hành từ sân trung tâm lễ hội đền Hùng qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng để hành lễ. Đi đầu là 8 tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước", theo sau là 14 thiếu nữ trong trang phục áo dài đỏ cùng 100 chàng trai trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, tượng trưng cho 100 người con được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Tiếp đó là đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh dày...
Người dân đến dâng hương tại đền thờ vua Hùng ở H.Hòn Đất, Kiên Giang Ảnh: Anh Phương
Trong phần tuyên bố lý do, ông Hà Kế San, Trưởng ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm 2018, khẳng định: “Giỗ tổ Hùng Vương - ngày lễ trọng của cả dân tộc ta đã trở thành tình cảm thiêng liêng, là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn"; nhớ về tổ tông, về nghĩa “đồng bào” để cùng nhau làm nên sức mạnh VN trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã dâng lễ, thắp hương tại Thượng cung của đền Thượng. Ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, chủ lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2018, đọc chúc văn tưởng niệm các vua Hùng. Nội dung của bài chúc văn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng và các bậc tiền nhân; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; thể hiện tâm tư, tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc.
Các thiếu nữ Phan Rí Cửa (Bình Thuận) dâng bánh dày lên các vua Hùng Ảnh: Quế Hà
Khắp nơi long trọng Giỗ Tổ
Ngay từ sáng sớm, hàng chục ngàn người dân đã đổ về khu vực đền Hùng để tham dự lễ dâng hương. Theo ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức lễ Giỗ tổ - lễ hội đền Hùng, có gần 1 triệu lượt khách về dâng hương tại đền Hùng, bất chấp trời mưa. Hàng trăm thanh niên tình nguyện, chiến sĩ bộ đội, công an tạo thành những “hàng rào mềm” để đảm bảo trật tự và an toàn cho người dân tham gia dâng hương.
Tại Khu tưởng niệm các vua Hùng, công viên lịch sử - văn hóa dân tộc ở P.Long Bình (Q.9, TP.HCM), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM long trọng tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Sau phần khai mạc, ban tổ chức tiến hành nghi thức Giỗ tổ với các phần diễu hành đón rước lễ và dâng lễ vật gồm bánh chưng, bánh dày, hoa quả, trái cây đặc sản Nam bộ. Người dân xếp hàng dâng hương tại đền thờ vua Hùng trong không khí trang nghiêm, kính trọng.
Người dân TP.HCM dâng hương tại đền thờ vua Hùng (công viên văn hóa Q.9) Ảnh: Ngọc Dương
Tại Bình Thuận, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ VN tỉnh đã tổ chức phục dựng lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại đền thờ các vua Hùng (TT.Phan Rí Cửa, H.Tuy Phong). Theo nghi thức được phục dựng, có 18 cặp thanh niên nam nữ cùng dâng bánh chưng, bánh dày vào ngôi đền thờ các vị vua Hùng. Sau khi đọc chúc văn, chủ lễ và lãnh đạo tỉnh vào dâng bánh lên các vua Hùng và thắp hương. Tại H.Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình cũng tham gia giỗ và dâng hương các vua Hùng.
Cùng ngày, hàng chục ngàn người trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận đã tập trung về đền Hùng tại ấp Đông Bình, TT.Tân Hiệp (H.Tân Hiệp, Kiên Giang) dâng hương, lễ vật để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng. Cũng trong ngày 25.4, lãnh đạo H.Hòn Đất (Kiên Giang) và hàng ngàn người dân trong huyện đã dâng hương đền thờ vua Hùng tại xã Nam Thái Sơn.
Tại Cà Mau, người dân địa phương và các tỉnh lân cận long trọng tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương ở Đền thờ vua Hùng thuộc xã Tân Phú, H.Thới Bình và dâng lên lễ vật do bà con tự làm gồm: bánh chưng, bánh dày, mâm ngũ quả, hoa tươi...
Lưu truyền ý chí và niềm tự hào dân tộc
Ông Quách Đình Phả (67 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) cùng vợ và một người bạn từ Thái Bình lên Phú Thọ từ lúc tinh sương để kịp tham gia buổi lễ. “Năm nào tôi cùng vợ cũng tới đây để dâng hương tưởng niệm các vua Hùng vào ngày Giỗ tổ. Đó cũng là cách chúng ta lưu truyền ý chí và niềm tự hào dân tộc”, ông Phả nói.
Em Đinh Mai Phương (15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Yến Mao, H.Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) cho biết rất vui vì được tham dự ngày Giỗ tổ và lễ hội đền Hùng. “Điều quan trọng hơn là lễ hội đã kết nối được người dân trên cả nước cùng hội tụ, cùng hướng về ngày quốc giỗ”, Phương chia sẻ.
“Chứng kiến hàng chục ngàn người dân đội mưa về đền Hùng dâng hương, tưởng niệm các vua Hùng, tôi rất xúc động, tự hào. Đó chính là biểu hiện cao nhất của tinh thần, ý chí dân tộc VN đã được lưu truyền nhiều đời nay như chúng ta vẫn nói: Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3", ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, xúc động nói.
Gia tộc nửa thế kỷ làm Giỗ tổ vua Hùng
       
Sáng mùng 10.3, hòa chung không khí của cả nước, nhà thờ gia tộc họ Đoàn nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Văn Nguyễn, P.Tân Định, Q.1 (TP.HCM) rộn ràng tiếng con cháu đến cùng lo lễ Giỗ tổ vua Hùng (ảnh).
Nhà thờ gia tộc họ Đoàn chỉ rộng chừng 60 m2. Ngay chính giữa là bàn thờ vua Hùng 3 cấp, cao nhất là bài vị “Tổ tiên chính giáo đại đạo sinh tồn” (bài vị đạo tổ tiên), giữa là bài vị “Hùng Vương tổ phụ VN” (thờ vua Hùng), tiếp đến là bài vị “Liệt vị tiền nhân - nội ngoại tứ thân, cửu huyền thất tổ” (các đời ông bà của dòng tộc). Cạnh bên bàn thờ vua Hùng là bàn thờ ông bà, cha mẹ với 2 câu đối treo hai bên: Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha/Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Ông Đoàn Văn Lộc, 62 tuổi, là người con thứ 4, kế ông có 2 người em cùng nhau kế tục lễ nghi thờ cúng vua Hùng, ông bà tổ tiên từ hàng chục năm qua. Điều đặc biệt trong lễ giỗ vua Hùng ở nhà thờ gia tộc họ Đoàn là Ban tế lễ nữ quan Âu Lạc đảm trách chính các nghi thức. “Hồi xưa bố tôi lập ra như thế vì con cháu trong nhà nữ nhiều hơn nam, đến nay cũng vậy. Ban tế lễ nữ quan gồm 11 người, trong đó có 9 người dâng lễ vật, 1 người thông xướng (kiểu như MC - PV) và 1 người đọc văn tế”, ông Lộc cho biết.
“Mình thành kính tổ chức những buổi tế lễ như vậy, con cháu mình lớn lên sẽ theo cái khuôn phép đó để sống cho tử tế với đời, biết nuôi giữ ý thức nguồn cội”, ông Lộc chia sẻ.
Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.