Giông lốc, mưa đá tàn phá hàng ngàn nhà dân ở vùng núi phía bắc

19/02/2019 04:54 GMT+7

Giông lốc kèm theo mưa đá liên tiếp xảy ra trong đêm 17.2 đã tàn phá, gây hư hỏng trên 2.000 ngôi nhà và 20 công trình trường học, trạm y tế ở vùng núi các tỉnh phía bắc.

Giông lốc mạnh nhất trong 40 năm qua ở Tuyên Quang

Sáng sớm 18.2, nhiều tuyến phố tại TP.Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) vẫn bừa bộn, ngổn ngang. Mái tôn từ nhà dân, công trình công cộng bị gió giật đổ ném ra đường, mắc trên cây xanh, cột điện. Nhiều cột điện bê tông kiên cố cũng bị gió giật gãy đổ. Bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, cho biết trụ sở cơ quan này cũng bị thiệt hại nặng nề, toàn bộ cửa kính bị gió giật vỡ vụn. Nhiều thiết bị quan trắc khí tượng bị hư hỏng nặng, không thể hoạt động.
“Gió giật mạnh nhất trong đêm 17.2 lên tới 27 m/giây (cấp 10) và theo những người dân ở địa phương, đây là trận giông lốc mạnh nhất ở TP.Tuyên Quang trong 40 năm trở lại đây”, bà Thu nói.
Trong ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đã huy động lực lượng thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân và các đơn vị dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đường phố Tuyên Quang sáng 18.2 ngổn ngang mái tôn, cây đổ sau trận giông lốc
Đường phố Tuyên Quang sáng 18.2 ngổn ngang mái tôn, cây đổ sau trận giông lốc
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, cho biết giông lốc xảy ra trong đêm 17.2 tại TP.Sông Công và TP.Thái Nguyên, H.Phú Bình và TX.Phổ Yên đã làm 1 người bị thương.
Theo thống kê đến chiều 18.2, toàn tỉnh có 571 nhà dân bị tốc mái, nhiều cột điện và cột viễn thông bị gãy đổ, 1 trạm biến áp bị cháy. Tại Bệnh viện đa khoa Gang Thép (TP.Thái Nguyên), gió lốc giật sập đổ 500 m2 mái tôn chống nóng của khoa khám bệnh, gây hư hỏng 5 ô tô, 8 xe máy và hơn 20 cây xanh gãy đổ. Cho đến chiều cùng ngày, giông lốc trên toàn tỉnh Thái Nguyên đã gây thiệt hại về tài sản khoảng 3,3 tỉ đồng.

Miền Bắc vào mùa mưa đá, giông lốc phức tạp

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hội tụ trong đới gió tây trên cao dịch chuyển dần sang phía đông nên các tỉnh ở Bắc bộ có mưa vừa và mưa to trên diện rộng, nhiều nơi đã ghi nhận có giông kèm lốc xoáy gây gió giật mạnh, mưa đá. Trong đêm 17.2, nhiều trạm quan trắc đo được gió giật mạnh như tại Tam Đường (Lai Châu) có gió giật 16 m/giây (cấp 7), tại Yên Bái có gió giật 19 m/giây (cấp 8) và tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật 21 m/giây (cấp 9).
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết giông lốc mạnh ở nước ta xảy ra cao điểm vào thời kỳ từ tháng 3 - 5 hằng năm.
Cũng theo ông Năng, mưa đá xuất hiện ngay giữa tháng 2 này cho thấy đây là dấu hiệu về thời kỳ mưa giông với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá đang đến rất gần.
Fansipan có mưa tuyết
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết sáng 18.2, mưa tuyết được ghi nhận xảy ra trên khu vực đỉnh núi Fansipan có độ cao 3.143 m so với mực nước biển. Theo ông Hải, nhiệt độ tại Sa Pa lúc 7 giờ cùng ngày là 10,8 độ C, nếu chênh lệch độ cao thì khu vực đỉnh núi Fansipan khoảng 0,5 - 1 độ C và khu vực nằm sâu trong khối không khí lạnh nên đã có tuyết rơi nhưng trạng thái này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Mưa tuyết bắt đầu lúc 8 giờ 27 phút và kéo dài trong khoảng 5 - 10 phút. Cũng theo ông Hải, hiện tượng mưa đá và tuyết rơi đã liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong 2 ngày vừa qua. Trước đó, chiều 17.2, mưa đá xảy ra khu vực đỉnh núi Fansipan.
Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), mưa đá, giông lốc xảy ra liên tiếp trên diện rộng ở các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Phú Thọ, Lai Châu trong đêm 17 và rạng sáng 18.2. Thống kê ở các địa phương đến 17 giờ ngày 18.2 đã ghi nhận 57 nhà dân bị sập đổ và tốc mái hoàn toàn (Yên Bái 5 nhà, Hà Giang 17 nhà, Lào Cai 15 nhà, Điện Biên 4 nhà và Tuyên Quang 16 nhà); 1.909 nhà dân bị hư hỏng (Tuyên Quang 768 nhà, Lào Cai 194 nhà, Lai Châu 6 nhà, Yên Bái 271 nhà, Hà Giang 615 nhà, Phú Thọ 6 nhà, Điện Biên 49 nhà). Mưa đá, giông lốc làm hư hỏng 20 công trình trạm y tế, trường học, nhà văn hóa và gây thiệt hại trên 40 ha hoa màu, 30 ha chăn nuôi thủy sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.