Giữ độc lập cho bầu trời: Biên đội 'U ti ti'

02/09/2016 06:32 GMT+7

Ngay sau 30.4.1975, Không quân nhân dân VN đã tiếp thu hơn 1.000 máy bay cùng hệ thống vật chất, khí tài quân sự hầu như nguyên vẹn ở hơn 200 sân bay lớn nhỏ của Việt Nam Cộng hòa.

Để khai thác sử dụng, Bộ Quốc phòng đã cho phép các đơn vị Không quân nhân dân VN mới thành lập, tạm tuyển một số phi công và kỹ thuật của chế độ cũ vào làm việc với tên gọi “nhân viên lưu dung”.
Thành thạo sau 3 tiếng
Đại tá Nguyễn Xuân Trường, nguyên Trung đoàn trưởng không quân trực thăng 917 (Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân - QC PK-KQ) là phi công đầu tiên của Không quân nhân dân VN điều khiển máy bay trực thăng UH-1 của Mỹ. Ông cũng là người được giao chỉ huy biên đội 4 chiếc trực thăng UH-1 làm nhiệm vụ đặc biệt trước và sau 30.4.1975.
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn không quân trực thăng 917 cùng nhân viên lưu dung đưa vũ khí lên trực thăng Ảnh: T.L
Nhà ông Trường nằm ở đường Hậu Giang (Q.Tân Bình, TP.HCM) kề bên sân bay Tân Sơn Nhất suốt ngày đêm ầm ì tiếng máy bay. Dẫn tôi ra sau nhà, chỉ khoảnh sân ngờm ngợp nắng, ông bảo: “41 năm trước, trực thăng đậu kín khu này. Hồi ấy Trung đoàn 917 chưa thành lập, chúng tôi là biên đội trực thăng trực thuộc Sở chỉ huy tiền phương của QC PK-KQ, được gọi tắt là U ti ti” và cười: “Tôi gặp, làm việc cùng phi công, nhân viên kỹ thuật, xạ thủ của chế độ cũ từ đầu năm 1974, trước xa ngày giải phóng”.
Cuối năm 1973, chiến sĩ điệp báo Hồ Duy Hùng (khi đó là thiếu úy phi công quân đội VNCH) đánh cắp chiếc trực thăng UH-1 mang số hiệu 60139 của quân đội Sài Gòn đang đậu ở Đà Lạt bay về căn cứ ta ở Lộc Ninh. Đầu năm 1974, QC PK-KQ cử phi công Nguyễn Xuân Trường dẫn đầu đoàn cán bộ từ Hà Nội vào Lộc Ninh đưa máy bay UH-1 ra sân bay Hòa Lạc. Ngày 26.4.1974 máy bay được đưa ra tới nơi và Bộ Quốc phòng ra lệnh: Anh Hồ Duy Hùng khẩn trương dạy cách điều khiển, làm chủ máy bay UH-1 cho 2 phi công trực thăng Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Đình Khoa. Trong 3 tiếng bay lượn, các phi công đã điều khiển thành thạo, vừa vặn chiếc UH-1 đến hạn bảo dưỡng định kỳ 100 giờ.
41 năm trước, trực thăng đậu kín khu này. Hồi ấy Trung đoàn 917 chưa thành lập, chúng tôi là biên đội trực thăng trực thuộc Sở chỉ huy tiền phương của QC PK-KQ, được gọi tắt là U ti ti. Tôi gặp, làm việc cùng phi công, nhân viên kỹ thuật, xạ thủ của chế độ cũ từ đầu năm 1974, trước xa ngày giải phóng
Đại tá Nguyễn Xuân Trường
Hàng hiếm ở Đà Nẵng
Đầu tháng 4.1975, phi công Nguyễn Xuân Trường lái trực thăng Mi-6 đưa bộ đội thông tin vào TP.Đà Nẵng để lập cầu thông tin mặt trận. Vừa hạ cánh xuống sân bay, ông đã được Tư lệnh QC PK-KQ Lê Văn Tri, Phó tư lệnh Đào Đình Luyện gọi xuống giao nhiệm vụ: Để Mi-6 cho người khác lái, kiếm ngay 1 chiếc UH-1 bay thử để có cơ sở tiếp thu máy bay chiến lợi phẩm, làm nhiệm vụ bí mật.
“Tôi kiểm tra vài chục chiếc trực thăng đậu ngổn ngang trong sân bay nhưng không dám bay thử vì chiếc nào cũng dính vài phát đạn của bộ binh ta”, đại tá Nguyễn Xuân Trường thú thực vậy và hồi tưởng: May là ngay hôm sau, 2 nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ tên là Hân và Lê ra trình diện có báo còn nguyên
1 chiếc UH-1 ở bán đảo Sơn Trà, phi công đang lấy nhiên liệu để chạy ra Hạm đội 7 nhưng không kịp bay. Ông Trường cùng 2 nhân viên tức tốc ra kho xăng dầu Sơn Trà kiểm tra xem xét và quyết định lái máy bay về sân bay Đà Nẵng.
“Ban đầu cũng hơi chòng chành vì mình chỉ được lái nó 1 tiếng đồng hồ cách đấy cả năm. Nhưng chỉ sau vài phút là quen. Tôi lượn 1 vòng quanh thành phố, xong mới hạ cánh. Bộ đội mình ào ra, tròn xoe mắt khi thấy phi công mặc quần áo quân giải phóng, đội mũ tai bèo, tay đeo băng đỏ ghi chữ “Không quân nhân dân VN” trong khi 2 thợ máy vẫn mặc quần áo rằn ri chế độ cũ” - ông Trường cười nhớ lại: “Mình phải bắt tay từng người, bảo “phi công cộng sản xịn”, anh em mới tin”.
Phương án “xóa sổ dinh Độc Lập”
Giữa tháng 4.1975 tại sân bay Đà Nẵng, đội UH-1 trực thuộc Sở chỉ huy tiền phương QC PK-KQ được chính thức thành lập với nhiệm vụ bí mật: Phi đội A-37 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất mà chính quyền cũ không đầu hàng, thì trực thăng UH-1 thả bom xuống dinh Độc Lập, tiêu diệt đầu não chính quyền, gây rối loạn bộ máy… Đội gồm 4 máy bay UH-1 vũ trang được trang bị đầy đủ rốc két, đại liên 6 nòng và do 8 phi công ta (4 lái chính, 4 lái phụ) điều khiển, 8 xạ thủ súng máy, một số nhân viên kỹ thuật đi kèm.
Cả 2 đội A-37 và UH-1 cùng chuyển loại tại sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, đội A-37 thuận lợi hơn do có “giáo viên” rất thành thạo là Nguyễn Thành Trung (cán bộ của ta được Ban Binh vận T.Ư Cục miền Nam cài vào không quân chế độ cũ, lái máy bay F5 và ngày 8.4.1975 đã ném bom dinh Độc Lập, sau đó đáp máy bay xuống căn cứ quân giải phóng tại Phước Long), 2 phi công phản chiến là Trần Văn On, Nguyễn Văn Xanh. Trong khi đội UH-1 chỉ có anh Trường và Khoa mới được bay UH-1 vài tiếng đồng hồ, nay vừa học thêm vừa dạy cho các anh em trong đội. Chỉ sau 1 tuần, các phi công UH-1 bay thành công nhưng khi lắp rốc két mới té ngửa: Từ trước đến giờ chưa có ai dạy thao tác, cách bắn.
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn không quân trực thăng 917 Ảnh: T.L
Đội trưởng Nguyễn Xuân Trường đề nghị gọi phi công Hồ Duy Hùng từ Lộc Ninh chạy ra sân bay Phù Cát (Bình Định) hướng dẫn. Nhận lệnh, anh Hùng chạy xe suốt mấy ngày đêm theo đường Trường Sơn ra miền Trung, khi từ Kon Tum rẽ xuống thì lái xe gây tai nạn lao xuống vực, anh Hùng nằm bất tỉnh trong bệnh viện dã chiến. Không có người dạy, anh Trường dò hỏi các nhân viên kỹ thuật chế độ cũ và sau cùng áp dụng kinh nghiệm: Lấy bút lông vẽ vòng tròn lên kính lái thành điểm ngắm, khi nào bổ nhào thấy mục tiêu nằm vòng tròn thì… nhấn nút bắn rốc két.
16 phi công, xạ thủ của đội UH-1 chưa 1 lần bay trên vùng trời phía nam nên chỉ biết Sài Gòn trên… bản đồ. Sau nhiều hướng dẫn, phi công Nguyễn Thành Trung của đội A-37 “chốt đường”: Bay theo đường lộ vào cầu Sài Gòn, từ đó chếch về phía bên trái sẽ thấy toàn nhà hộp sân rộng có hồ nước tròn phía trước, đó là mục tiêu tấn công.
Chiến đấu xong chắc chắn không đủ dầu bay về sân bay Phan Rang, ông Nguyễn Thành Trung khi đó gợi ý: Bay chệch về phía đông, sau dãy núi Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) là vùng hoang vắng, các anh đậu xuống đó cố gắng cầm cự đợi quân ta ở Xuân Lộc lên ứng cứu. “Chúng tôi chọn 2 binh lính chế độ cũ ở sân bay Phù Cát chuyên bắn đại liên 6 nòng vào dạy cho 6 chiến sĩ đặc công mới được bổ sung làm xạ thủ và 2 anh này cũng được duyệt đưa vào đội hình chiến đấu. Chuẩn bị bay, cấp trên đưa lên máy bay đủ loại súng AK, B41, lựu đạn để 8 xạ thủ này bảo vệ phi công”, cựu phi công Nguyễn Đình Khoa vẫn nhớ chi tiết vậy và kể thêm: “Chiều 28.4.1975, đội A-37 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy máy bay, đường băng, cắt cầu hàng không và gây hoảng loạn cực độ nên sáng 30.4.1975, chính quyền Sài Gòn đầu hàng. Nếu họ vẫn ngoan cố, sáng 1.5.1975 trực thăng vũ trang sẽ tấn công và dinh Độc Lập không còn nguyên vẹn như bây giờ”…
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.