Hà Nội bất lực với 'phố thành sông' khi mưa

Lê Quân
Lê Quân
18/08/2020 18:30 GMT+7

Sau trận mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội chiều 17.8, không ít người cho rằng, “sức đề kháng của hệ thống thoát nước thành phố" quá mong manh, bất lực.

Mưa to quá nên ngập lụt: "Trả lời như vậy là vô trách nhiệm"

Theo ghi nhận, từ khoảng tháng 7 đến tháng đến tháng 10 hàng năm, các tỉnh phía Bắc bước vào mùa mưa. Lượng mưa nhiều, ít tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mỗi năm. Điệp khúc hễ mưa to là ngập lụt đường phố nhiều năm qua vẫn tiếp diễn ở Hà Nội.
Ngày 5.8, Hà Nội hứng chịu cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ trút xuống nhiều quận nội thành, khiến nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước. Cảnh tượng người dân lóp ngóp trên phố biến thành sông, xe chết máy… không còn lạ lẫm.
Gần đây nhất, chiều 17.8, liên tiếp 2 trận mưa lớn trút xuống Hà Nội. Lượng mưa tập trung nhiều nhất tại 2 quận trung tâm là Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Nhiều tuyến phố như Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liệt, Hàng Bài, Phùng Hưng, Tạ Hiện… ngập sâu trong nước, cảnh tượng người dân “bơi trên phố” lại tái diễn.
Lý giải nguyên nhân nhiều tuyến phố ở khu trung tâm bị ngập úng sau mưa, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, do lượng mưa tấp cập diễn ra trong thời gian ngắn dẫn đến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố không kịp tiêu thoát, gây ngập úng.
Mưa to gây ngập úng nhiều nơi khiến Công ty Thoát nước Hà Nội đã phải vận hành các trạm bơm: Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế; mở các cửa thu để nước chảy vào các hồ điều hòa Thiền Quang, Đống Đa, Bảy Mẫu, Linh Đàm, Khương Trung. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp tiêu úng cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên, ngập úng vẫn xảy ra trên nhiều tuyến phố, ngay cả khi đã hết mưa, nước rất lâu sau mới rút, khiến người dân không khỏi bức xúc cho rằng, hệ thống thoát nước của thành phố gần như bất lực mỗi khi mưa xuống.
Theo tìm hiểu, năm 2000, UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành, nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ, có tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng. Theo tiến độ, đến 2005, dự án sẽ hoàn thành, nhưng do triển khai chậm, đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, đường phố Hà Nội vẫn không tránh được tình trạng mưa là ngập lụt.

Điệp khúc "phố thành sông" đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội sau những trận mưa

Ảnh Ngọc Thắng

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước tại các quận nội thành Hà Nội có tổng diện tích khoảng 300 km2. Với cường độ mưa năm nay trong khoảng từ 50 - 100 mm/2 giờ các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12 điểm úng ngập. Với các trận mưa nhỏ dưới 50 mm/2 giờ sẽ không xảy ra úng ngập. Tuy nhiên, với lượng mưa lớn như chiều 17.8, hệ thống thoát nước sẽ bị quá tải, ngập úng là điều khó tránh khỏi.
KTS Trần Huy Ánh, thành viên Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội, bày tỏ: “Việc Công ty Thoát nước cho rằng, mưa to quá nên ngập lụt là họ đang không hoàn thành nhiệm vụ của mình, trả lời như vậy là vô trách nhiệm. Đơn vị làm công tác thoát nước ở Hà Nội sử dụng nguồn lực của TP.Hà Nội để chống ngập, nhưng ngập lụt vẫn kéo dài, tại sao lại đổ thừa do mưa to quá? Nếu không làm được chống ngập cho TP.Hà Nội thì nên giải thể hoặc nghỉ cho người khác làm. Không thể trả lời qua quýt, thiếu trách nhiệm như vậy được”.

Cần quy hoạch tổng thể thành phố bao gồm hệ thống thoát nước

Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, hệ thống thoát nước của TP.Hà Nội hiện nay là kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp thời điểm trước năm 1954. Sau đó, Hà Nội mở rộng, do kinh nghiệm quy hoạch của nước ta không nhiều, nguồn lực cũng hạn chế, nên trong khoảng thời gian vài chục năm, quy hoạch thoát nước ở Hà Nội khá tùy tiện.
Đến những năm 2.000, phía Nhật Bản có giúp thiết kế quy hoạch thoát nước bài bản hơn. Tuy nhiên, khi thiết kế xong, định hướng phát triển đô thị lại lạc hậu so với thiết kế hệ thống thoát nước do phía Nhật Bản giúp. Dù vậy, TP.Hà Nội vẫn dựa vào bản quy hoạch thoát nước do phía Nhật Bản thiết kế để phát triển. Hệ thống thoát nước ở TP.Hà Nội là không tổng thể, chắp vá, luôn lạc hậu so với thực tế phát triển đô thị.
KTS Trần Huy Ánh cũng chỉ ra, TP.Hà Nội thiếu chiến lược quy hoạch thoát nước có thể thích ứng với quy hoạch mở rộng, biến đổi khí hậu với lượng mưa lớn hơn, thường xuyên có hơn, đô thị hóa thiếu kiểm soát, dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy. Bên cạnh đó, việc đô thị hóa mạnh, khó kiểm soát, dẫn đến rác thải không được thu gom tốt, gây tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước…
Trong khi đó, công tác duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy vẫn còn hạn chế… Tất cả đều góp phần gây ngập lụt khi mưa lớn… Cho nên, dù tốn nhiều nghìn tỉ đồng, vẫn chưa thể giải quyết tốt vấn đề ngập úng trong nội thành Hà Nội.

Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể tích hợp, trong đó có quy hoạch thoát nước bài bản hơn

Ảnh Ngọc Thắng

Bên cạnh đó, KTS Trần Huy Ánh cũng nêu thực tế: hệ thống thoát nước ở Hà Nội hiện vẫn chủ yếu áp dụng nguyên tắc tự chảy. Trong khi đó, đường ống tự chảy lại quá dài, năng lực tiêu thoát hạn chế. Trong khi đó, đô thị phát triển ở bất cứ đâu trên thế giới đều phải đối mặt với ngập úng nội đô, nhưng nhiều nơi áp dụng “nguyên tắc thoát nước cưỡng bức”, tức là bố trí nhiều điểm trạm bơm thoát nước tiêu úng hoặc giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập… giống như ắc quy nước có tác dụng giảm áp lực của mưa lượng lớn, qua đó nâng cao năng lực thoát nước cho nội thành và tận dụng nước mưa.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, Hà Nội có điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống thoát nước là sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ đều chảy qua thành phố. 3 con sông đều có độ dốc tự nhiên theo hướng từ Bắc xuống Nam. Đấy là những cửa thoát nước tự nhiên rất thuận lợi. Nhưng khi thoát nước tự nhiên kém hiệu quả, thì cần dùng bơm thoát nước cưỡng bức, giếng thu, hồ điều hòa…
Trong khi đó, thực tế nhiều năm qua, TP này lại giảm diện tích hồ điều hòa, tăng mạnh bê tông hóa, làm kém đi khả năng thẩm thấu… Làm như vậy, khiến tăng lượng nước bề mặt dồn vào hệ thống thoát nước được bê tông hóa. Trong khi đó, hệ thống cống lại quá dài, đường ống nhỏ, ùn tắc nước, dẫn đến ngập lụt trong nội đô là khó tránh khỏi.
Giải pháp cho vấn đề trên, theo KTS Trần Huy Ánh, TP.Hà Nội cần có 1 quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý nước thải… Để có được quy hoạch tích hợp tổng thể đa ngành này, cần có đóng góp sâu sắc của cộng đồng, giới chuyên gia, nhà khoa học. Khi có được quy hoạch này rồi, cứ thế thực hiện, kiểm chứng, điều chỉnh dần dần để có hiệu quả tốt nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.