'Hà Nội đổ mồ hôi xử lý vụ bãi rác Nam Sơn không thấy Quốc hội đâu'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/08/2021 17:13 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lại các vụ việc nổi cộm tại Hà Nội khi ông còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định Quốc hội cần vào cuộc nhiều hơn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân.

Chiều 18.8, tại phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Quốc hội không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Quốc hội không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân, trừ trường hợp khiếu nại tố cáo liên quan cán bộ mình quản lý, việc giải quyết khiếu nại tố cáo là của Chính phủ.
"Quốc hội chỉ chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi đơn, tổng hợp lại để có kiến nghị đề xuất với Chính phủ và các cơ quan Chính phủ", ông Định nêu.
Bên cạnh đó, ông Định cho rằng, với chức năng tham mưu, giúp việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện của Ban Dân nguyện thì báo cáo không chỉ tập trung vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, Phó chủ tịch Quốc hội kiến nghị, báo cáo này nên gọi là báo cáo công tác dân nguyện, trong đó, nội dung quan trọng là thông qua công tác dân nguyện tham mưu đề xuất chính sách với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Như báo cáo tại phiên họp thì Ban Dân nguyện mới tập trung vào khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Số liệu cũng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Còn số liệu về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Quốc hội thì mới có số liệu đơn thư gửi tới Ban Dân nguyện mà không có số liệu của các ủy ban khác", ông Định cho biết.
Ông Định cũng đề nghị, hàng tháng có báo cáo của Ban Dân nguyện nhưng để thảo luận ở Thường vụ Quốc hội thì nên 2 - 3 tháng một lần và là báo cáo về công tác dân nguyện chứ không chỉ tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo.

"Không giải quyết thì sinh ra cơ quan dân cử làm gì"

Lần thứ 2 phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng tình với ý kiến trên. Theo ông Huệ, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân là vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay.
“Mấy trăm vụ việc kéo dài, ai giải quyết, giám sát việc này thế nào? Đơn thư chuyển về mà Quốc hội chỉ chuyển đơn đi thì có ý nghĩa gì không?”, ông Huệ nêu và thẳng thắn, kể từ khi ông về Quốc hội vào tháng 4, các cơ quan của Quốc hội chưa giải quyết được việc gì, chưa thấy đặt ra, xem xét giải quyết bất cứ một đơn thư khiếu nại tố cáo nào của công dân.
“500 vụ việc phức tạp, tồn đọng như vậy, từ tỉnh kéo ra T.Ư, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thế nào. Phải bàn để làm sao công tác này chuyển biến lên. Hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp giải quyết cái này, không thì sinh ra cơ quan dân cử làm cái gì”, ông Huệ nói và cho rằng, Chính phủ giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng Quốc hội, cơ quan Quốc hội phải giám sát việc đó.
Ông Huệ dẫn chứng các vụ việc nổi cộm, phức tạp khi ông còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội như xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, hay bãi rác Nam Sơn (H.Sóc Sơn) thì không thấy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội “vào cuộc cùng chúng tôi”.
“Chúng tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt xử lý vụ việc ở Sóc Sơn cũng không thấy vai trò của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội. Đó có phải là vụ việc nổi cộm phức tạp không? Chúng ta cứ hay nói lý thuyết nhiều”, ông Huệ nói và nhấn mạnh, cần nhìn thẳng vào vấn đề này.

Làm đến nơi đến chốn không người dân bảo mình vô cảm

Từ đó, ông Huệ cho rằng, hàng tháng, Ban Dân nguyện cần có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, thành quy định thường xuyên. “Một tháng đặt ra 7 - 8 vụ việc, vấn đề bức xúc, nổi cộm, làm đến nơi đến chốn, quy rõ trách nhiệm tổ chức, tập thể, cá nhân đi xem có chuyển động không?”, ông Huệ nói và nhấn mạnh, không chỉ đợi Chính phủ gửi báo cáo sang rồi thẩm tra kiểu “xuân thu nhị kỳ”.
“Truy đến cùng trách nhiệm thì công tác này mới chuyển biến, nhân dân, cử tri mới đặt niềm tin vào Quốc hội và cơ quan dân cử”, ông Huệ khẳng định.
Ông Huệ lưu ý, cần đề nghị Chính phủ, VKSND tối cáo, TAND tối cao báo báo cáo tình hình kết quả rà soát giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và trên phạm vi toàn quốc để có biện pháp giải quyết. Rồi 500 vụ việc phức tạp mà Bộ Công an đã có báo cáo thì Thanh tra Chính phủ, Chính phủ giải quyết như thế nào.
“Năm 2022, Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về vấn đề này (giải quyết khiếu nại tố cáo - phóng viên). Phải làm đến nơi đến chốn không người dân bảo mình vô cảm”, ông Huệ nói và chỉ rõ, trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân, có nơi làm tốt, tích cực nhưng cũng có nơi buông lỏng, thiếu trách nhiệm, vô cảm với dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.