Hà Nội sẽ được tự tăng mức phí, bổ sung loại phí mới

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/06/2020 11:47 GMT+7

Một trong những chính sách đặc thù về tài chính , ngân sách của Hà Nội mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là cho phép Hà Nội quyết định một số khoản thu phí bao gồm việc ban hành danh mục, tăng mức thu.

Theo tờ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình tại phiên họp 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 1.6, Hà Nội muốn được thí điểm tự quyết định thu phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí quy định trong luật.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ quyết định tăng mức phí hoặc tỷ lệ thu phí với mức trần không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách T.Ư hưởng 100%) được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, các khoản thu tăng thêm ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách thành phố.
Thẩm tra đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình đề xuất cho phép Hà Nội quyết định một số khoản phí.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết, về đề nghị cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu ngân sách T.Ư hưởng 100%), đa số ý kiến đề nghị không quy trần tăng thu. Mức tăng thu cụ thể sẽ do HĐND thành phố quyết định.
Ông Hải dẫn chứng, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, TP.HCM đã ban hành một số chính sách thu phí, lệ phí như: ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô, điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/xe/lượt lên bình quân 30.000 đồng/xe/giờ; điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước xả thải công nghiệp theo hướng xả thải càng nhiều đóng càng cao; điều chỉnh giảm mức thu học phí đến mức tối thiểu…
Một số ý kiến đồng tình việc tăng mức thu phí 1,5 lần so với quy định hiện hành nhưng phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến thị trường và xã hội.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là người đại diện Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ảnh Ngọc Thắng

Thảo luận sau đó, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất này cũng như ý kiến của cơ quan thẩm tra, cho rằng không nên quy định mức trần của các loại phí là không quá 1,5 lần so với quy định để tạo sự linh hoạt cho thành phố.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, nói không nên đưa ra quy định mức trần tăng thu là 1,5 lần, bởi thực tế TP.HCM khi thí điểm đã tăng một số loại phí lên 6 lần. Nếu quy định mức trần tăng phí ở Hà Nội là 1,5 lần thì sẽ "trói" hơn so với TP HCM.
"Cần hiểu việc tăng phí, lệ phí không phải để tăng thu ngân sách cho thành phố, mà có cơ chế xử lý vấn đề trật tự đô thị, ùn tắc giao thông tại một số khu vực lõi", ông Thanh nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, riêng phí, lệ phí toà án không giao cho HĐND thành phố quyết định do đây là lĩnh vực đặc thù. Ông Lưu cũng nhấn mạnh, không nên đưa ra mức trần tăng phí "cứng" 1,5 lần so với hiện tại, thay vào đó HĐND được quyết định nhưng phải trên cơ sở đồng thuận của nhân dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Hà Nội để Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại đợt 2 kỳ họp 9 diễn ra từ 8.6 tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.