Hầm xuyên đê sông Hồng sẽ được xây dựng ra sao?

12/02/2014 16:35 GMT+7

(TNO) Dự kiến sớm nhất là cuối quý 1.2014 Sở GTVT Hà Nội mới trình phương án chi tiết về hầm xuyên đê sông Hồng lên UBND TP.

Hiện điều dư luận quan tâm nhất sau khi UBND Hà Nội đưa ra quyết định nghiên cứu đầu tư dự án hầm đường bộ 90 tỉ đồng (từ phố Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn, nối với Hồ Gươm) là hầm sẽ được xây dựng như thế nào?

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, chủ trương làm đường hầm hoặc cầu vượt qua đê sông Hồng để tạo thuận lợi trong lưu thông cho người dân ở khu vực ngoài đê đã có từ lâu. Theo phương án sơ bộ, hầm đường bộ xuyên đê sẽ không làm hầm chui sâu như hầm Kim Liên, phần tĩnh không phía trên cũng chỉ rộng khoảng 3 m như hầm chui Vạn Kiếp – Trần Hưng Đạo – Trần Khánh Dư.

Hầm Kim Liên
Hầm xuyên đê sông Hồng sẽ không làm sâu như hầm Kim Liên này - Ảnh: Hà An

Để tạo độ dốc của hầm, mặt đường trên đê sẽ được tôn cao hơn hiện tại một chút, mở rộng từ 19 - 22 m, tùy từng vị trí. Đặc biệt, phần lớn diện tích được mở rộng nằm về phía bên phải, vì diện tích đất đai này chủ yếu thuộc các cơ quan, đơn vị, phía bên trái gần như giữ nguyên.

Trước lo ngại của nhiều chuyên gia về nguy cơ gây ngập lụt khi làm hầm xuyên đê sông Hồng, đại diện Sở GTVT khẳng định sẽ xem xét chống nước xả vào nội thành khi nước sông Hồng dâng cao. Ông này cũng cho biết, phương án sơ bộ đưa ra sẽ có sự điều chỉnh sau khi lấy ý kiến người dân và các cơ quan liên quan. Sở GTVT sẽ phải lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ NN-PTNT vì liên quan đến đê điều.

Dự kiến trong quý 1.2014, chậm nhất đầu quý 2.2014 Sở GTVT sẽ trình phương án cụ thể lên UBND TP. Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, làm hầm ngầm là phương án hợp lý, nhưng làm hầm thông qua đê phải tính đến phương án khi biến đổi khí hậu, nước từ sông Hồng tràn vào nội thành gây ngập lụt.

Nếu được thông qua, hầm ngầm dự kiến sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư khoảng 90 tỉ đồng từ ngân sách thành phố. Hà Nội cho rằng, việc xây dựng hầm đường bộ có kết hợp đường cho người đi bộ sẽ tăng cường khả năng khai thác các tuyến đường, tăng hiệu quả sử dụng quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và Phúc Tân.

>> Hầm đường bộ Kim Liên xuất hiện nhiều vết nứt
>> Hà Nội chưa có kế hoạch xây hầm vượt sông Hồng

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.