Như Thanh Niên đã thông tin, để thông luồng phía nam Cửa Đại cho tàu thuyền ra Biển Đông, đang có 2 dự án nạo vét cát triển khai song song từ cuối tháng 2.2017.
Đó là: dự án “Nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại” với kế hoạch nạo vét trên 100.000 m3 cát (đã tính sai số trên 20.000 m3) do Ban Quản lý (BQL) dự án đường thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa, Bộ GTVT) làm chủ đầu tư và dự án “Chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Hội An” do BQL dự án đầu tư xây dựng Hội An (UBND TP.Hội An) làm chủ đầu tư được phép nạo vét 80.000 m3.
Cả 2 dự án này đều có chung mục đích là nạo hút cát khai thông luồng lạch và bơm cát lên bờ chống sạt lở ở Cửa Đại. Thế nhưng, khi cả 2 dự án cùng triển khai, thì ngư dân Hội An phát hiện một số tàu chở cát thay vì tập kết đổ vào bờ chống sạt lở lại chạy ngược ra Đà Nẵng.
Hút hơn 41.000 m3, đổ vào bờ 12.000 m3
Trả lời PV Thanh Niên ngày 23.3, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, khẳng định tại dự án “Chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Hội An” đã gần hoàn thành. “Nếu các tàu của công ty Sơn Thịnh và Thành Đô hoạt động tích cực thì chỉ trong 3 ngày nữa là xong dự án, hoàn thành 100% kế hoạch”. Vì vậy, theo ông Hùng, khi có thông tin các tàu tham gia dự án “Chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Hội An” hút cát sai vị trí quy hoạch, chở cát ra Đà Nẵng bán thì UBND TP.Hội An đã yêu cầu 2 công ty trên chỉ được phép đưa tàu công suất dưới 500 m3 tham gia dự án, còn những tàu lớn cỡ 1.000 m3 phải ngừng hoạt động. “Chúng tôi làm thế, vì dự án đã gần hoàn thành và phòng ngừa những tàu lớn chở cát đi nơi khác”.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Hùng, dự án “Nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại” các tàu đã đổ lên bờ ở Cửa Đại chừng 10.000 m3 cát. Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Đoạn quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam (thuộc Sở GTVT Quảng Nam) ngày 23.3 công bố số lượng cát đổ lên bờ Cửa Đại từ dự án nêu trên là 12.000 m3.
Ông Sơn cũng cho rằng, do tàu thuyền tham gia dự án “Nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại” thường xuyên gặp trục trặc kỹ thuật nên số lượng cát nạo vét ít hơn so với dự án “Chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Hội An” cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, ông Phạm Văn Thông, Giám đốc BQL dự án đường thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa - Bộ GTVT) lại khẳng định đến ngày 17.3, tổng số lượng cát nạo vét đã lên con số 41.107 m3 (đạt 46,3% kế hoạch). Ông Thông cũng thông báo sẽ kết thúc dự án vào ngày 15.4.2017.
Nếu so sánh số lượng cát nạo vét và số lượng cát đổ lên bờ chống sạt lở cho Cửa Đại được các bên công bố thì… chí ít khoảng 30.000 m3 cát khai thác đã không tập kết lên bờ Cửa Đại. Vậy số cát này khổng lồ đã thất thoát đi đâu? Trước nghi vấn này, ông Thông cho biết hôm qua đã trực tiếp vào Hội An để phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh làm rõ nghi vấn có hay không việc nhà đầu tư hút cát bán ra bên ngoài mà không sử dụng bồi đắp tại địa phương theo hợp đồng.
Xử nghiêm nếu có tiếp tay bán cát
Trong động thái khác, tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 24.3, đại tá Văn Ngọc Quế, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam, cho biết Đồn biên phòng Cửa Đại đã có báo cáo sự việc diễn ra tại khu vực biển do đồn quản lý cho Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Nam.
Đại tá Quế khẳng định: “Hiện chúng tôi đã cử thêm lực lượng nghiệp vụ của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam tăng cường với Đồn biên phòng Cửa Đại giám sát tình hình hoạt động nạo vét khai thông luồng Cửa Đại. Bộ đội biên phòng Quảng Nam cũng đang kiểm tra ở đồn này. Thậm chí chúng tôi còn kiểm tra cả chuyện “có hay không chỉ đạo bằng miệng” từ cấp chỉ huy đồn. Mà nếu có chuyện chỉ đạo miệng để cấp dưới tiếp tay thì cũng xử lý hết. Anh nào liên quan đến vụ việc phải làm báo cáo cụ thể”.
Cũng theo đại tá Văn Ngọc Quế, nếu có yêu cầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và chính quyền địa phương để điều tra làm rõ chuyện lợi dụng nạo vét luồng lạch để bán cát trái mục đích ở Cửa Đại.
Tạm dừng cấp phép dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn
Ngày 24.3, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn; mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi.
Cụ thể, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn để bù chi phí nạo vét, duy tu các tuyến luồng đường thủy; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chí Hiếu
|
Bình luận (0)