Hàng tấn ma túy tuồn vào Việt Nam từ đâu?

14/05/2019 05:15 GMT+7

Ma túy với số lượng “khủng” được phát hiện tại nhiều tỉnh thành ở VN khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về nguồn gốc.

Liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển ma túy “khủng”

[VIDEO] Rợn tóc gáy với kho ma túy Ketamine "hảo hạng" 500 kg giá 500 tỉ ở Sài Gòn
Mới đây, ngày 11.5, Cục Hải quan TP.HCM và Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an đã phối hợp triệt phá đường dây vận chuyển ketamine, bắt giữ “ông trùm” Liu Ming Yang (34 tuổi, người Đài Loan), thu giữ 500 kg ma túy ketamine trị giá 500 tỉ đồng ở TP.HCM; 1 ô tô Innova và 4 máy ép bao bì mà các nghi phạm dùng để cất giấu, vận chuyển ma túy.
Cơ quan chức năng bắt giữ 500 kg ma túy trị giá 500 tỉ đồng ở TP.HCM ngày 11.5 ẢNH: THANH TUYỀN
Cơ quan chức năng bắt giữ 500 kg ma túy trị giá 500 tỉ đồng ở TP.HCM ngày 11.5 ẢNH: THANH TUYỀN
Đồng thời, lực lượng chức năng bắt giữ 3 đồng bọn của Liu Ming Yang là: Jhu Minh Jyun (32 tuổi, người Đài Loan, trú P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), Nguyễn Thị Thu Vân (36 tuổi, người Đài Loan, trú đường Thoại Ngọc Hầu, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú), Tô Gia Mỹ (33 tuổi, người Trung Quốc, trú đường Trần Phú, P.6, Q.5).
TP.HCM hội tụ đủ các yếu tố về kinh tế, vị trí địa lý, giao thông… nên các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia lợi dụng để làm nơi trung chuyển ma túy qua nước thứ ba
Ông Huỳnh Nam, Đội trưởng Đội kiểm soát phòng chống ma túy (Cục Hải quan TP.HCM)
Trước đó, ngày 20.4, C04 phối hợp Công an TP.HCM bắt giữ hơn 1,1 tấn ma túy đá được giấu trong các loa thùng, do Yeh Ching Wei (33 tuổi), Chiang Wei (31 tuổi, cùng quốc tịch Đài Loan) vận chuyển theo lệnh của “ông trùm” người Trung Quốc. Các nghi can có nhiệm vụ nhận ma túy đá được đóng trong các gói trà, giấu vào các thiết bị điện tử, hàng mỹ nghệ để vận chuyển đến nước thứ ba.
Chuyên án 218LP do C04 triệt phá vào ngày 20.3 cũng đã bắt giữ 11 nghi can (8 nghi can là người Trung Quốc; 3 nghi can người VN), thu giữ 300 kg ma túy đá tại Q.Bình Tân, có giá trị 600 tỉ đồng.
Cầm đầu đường dây này là Huang Zai Wen (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Ma túy xuất phát từ Myanmar, qua Lào, cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) rồi về TP.HCM, được ngụy trang trong những thùng hàng rồi xuất đi Đài Loan.
Ngoài hơn 300 kg ma túy bị thu giữ, đường dây này còn tổ chức các vụ vận chuyển ma túy cực lớn vào VN, bị lực lượng chức năng thu giữ vào tháng 10.2018 và tháng 2.2019 với tổng cộng hơn 600 kg ma túy tổng hợp.
Ngày 24.3, C04 phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM và Cảnh sát Philippines mở rộng điều tra và phát hiện, thu giữ thêm 276 kg ma túy đá từ VN sang Manila (Philippines).
[VIDEO] Toàn cảnh vụ bắt ma túy kỷ lục hơn 1,1 tấn tại TP.HCM
Nghi phạm người Lào bị bắt giữ với gần 300 kg ma túy đá, ngày 17.2.2019 ẢNH: MẠNH GIANG
Nghi phạm người Lào bị bắt giữ với gần 300 kg ma túy đá, ngày 17.2.2019 ẢNH: MẠNH GIANG

Chủ yếu từ Tam giác vàng đổ về

Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó cục trưởng C04, cho rằng ma túy “khủng” xuất hiện liên tục thời gian qua đa số từ vùng Tam giác vàng (Khu vực biên giới Thái Lan - Lào - Myanmar), vì đây là trung tâm sản xuất ma túy của thế giới.
Thượng tá Bình phân tích, trước đây ở Trung Quốc sản xuất ma túy tổng hợp rất nhiều, nhưng sau các đợt tấn công tội phạm quyết liệt của chính quyền nước này cùng với cơ quan chức năng VN ở các tuyến dọc biên giới thì dường như ma túy tổng hợp “chuyển hướng” sang Lào, Campuchia nhiều hơn. Cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây có nguồn ma túy nhập từ Lào, Campuchia về VN để vận chuyển đi các nước thứ ba.
Trước đây, ketamine (được cho là ma túy “hảo hạng”) từng được tổng hợp lén lút tại Trung Quốc. Sau này, do Chính phủ Trung Quốc đánh mạnh nên những đường dây sản xuất ketamine chuyển sang Myanmar để sản xuất, sau đó vận chuyển đi các nước trong đó có VN.
Lý giải vì sao VN được các nhóm tội phạm chọn làm nơi để trung chuyển ma túy, thượng tá Bình cho rằng, do kinh tế VN phát triển; ma túy tổng hợp có thể núp bóng thông qua các nhà máy, các nhà đầu tư... nên tội phạm tận dụng triệt để.
Thượng tá Bình phân tích thêm, tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động, thay đổi cách thức hoạt động so với trước đây.
Về đường đi, tội phạm lợi dụng địa bàn VN nói chung và TP.HCM nói riêng để trung chuyển ma túy đi các nước thứ ba. Chủ yếu thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa để đưa ma túy từ Lào, Thái Lan, Campuchia vào VN, sau đó vận chuyển bằng đường biển đi các nước.
Ma túy thường được ngụy trang bằng cách đóng gói dưới dạng bao bì các loại: trà, cà phê, hạt nhựa, linh kiện điện tử, bỏ vào loa thùng... để qua mắt cơ quan chức năng.
Trong các vụ vận chuyển ma túy “khủng” được phát hiện gần đây, Đài Loan thường được chọn là nơi tập kết ma túy, tiêu thụ. Tuy nhiên theo thượng tá Bình, ở đâu ma túy có giá cao thì đường dây tội phạm sẽ xuất ma túy sang nơi đó, không chỉ riêng Đài Loan.
Do vậy, thượng tá Bình nhấn mạnh, thời gian tới cơ quan chức năng phải phối hợp ngăn chặn, xử lý các vụ ma túy ngay từ đầu; không để hình thành các tụ điểm ma túy lớn, phức tạp. Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền; không chỉ lực lượng công an mà các ban ngành, đoàn thể cũng phải chung tay mới đem lại hiệu quả cao.

Ngụy trang để trung chuyển

Ông Huỳnh Nam, Đội trưởng Đội kiểm soát phòng chống ma túy (Cục Hải quan TP.HCM), cho rằng muốn chống tội phạm ma túy hiệu quả, phải có thông tin phối hợp từ các nước nằm trên đường đi của các đường dây ma túy đi qua. Nhiều loại ma túy ở các nước “đổ” về TP.HCM để trung chuyển như: cocain từ Nam Mỹ; heroin và ma túy đá từ Tam giác vàng chuyển qua Lào, Campuchia rồi thông qua đường bộ về TP.HCM; các loại thuốc lắc về TP.HCM chủ yếu xuất phát từ Hà Lan.
“TP.HCM hội tụ đủ các yếu tố về kinh tế, vị trí địa lý, giao thông... nên các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia lợi dụng để làm nơi trung chuyển ma túy qua nước thứ ba”, ông Nam nói.
Một cán bộ Bộ đội biên phòng TP.HCM cho rằng VN nói chung và TP.HCM nói riêng có nhiều cảng biển với lượng xuất, nhập khẩu hàng hóa rất lớn nên các đường dây vận chuyển ma túy lợi dụng. Bên cạnh đó, tội phạm vận chuyển ma túy quốc tế lợi dụng sự thông thoáng trong công tác hải quan, cũng như việc trang bị máy móc soi chiếu còn hạn chế tại VN để vận chuyển ma túy đi các nước.
Mới đây, trong buổi lễ trao thưởng thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm về ma túy (chuyên án 218LP) tại TP.HCM, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an xác định hiện nay tội phạm ma túy tại các tỉnh phía bắc đang bị đánh mạnh nên các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia chuyển hướng vào các tỉnh miền Trung, miền Nam và đặc biệt là TP.HCM để làm nơi trung chuyển đi Đài Loan, Trung Quốc và Philippines tiêu thụ.
Các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia đến TP.HCM lập công ty xuất nhập khẩu hàng hóa để núp bóng vận chuyển ma túy. Sau khi được đưa về TP.HCM, ma túy được ngụy trang trong các thùng hàng chứa trong container để xuất đi các nước. Theo đó, 80% ma túy vào VN rồi trung chuyển đi các nước khác, 20% là tiêu thụ trong nước.
 
Tội phạm ma túy ẩn mình dưới “vỏ bọc” kết hôn, cặp bồ
Theo một cán bộ Bộ đội biên phòng TP.HCM, ma túy được một số tội phạm người Lào vận chuyển từ Tam giác vàng vào biên giới VN qua đường tiểu ngạch.
Tại VN, có đường dây do người Trung Quốc, Đài Loan chủ mưu dưới sự giúp sức của một số người VN để vận chuyển ma túy về TP.HCM.
Tại TP.HCM, các chủ đường dây vận chuyển thường lợi dụng người VN như: kết hôn, cặp bồ để từ đó đứng tên thành lập công ty, thuê nhà xưởng phục vụ việc ngụy trang ma túy trong hàng hóa.
Ma túy sau khi ngụy trang sẽ được xuất bằng đường biển qua Philippines, Úc, Đài Loan... Ma túy cũng có thể ngụy trang trong hàng hóa, đi bằng đường bộ ra cửa khẩu các tỉnh tây bắc VN để qua Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.