Hiến kế phòng chống tham nhũng: Nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/08/2018 05:24 GMT+7

Khẳng định công tác kiểm toán đang đóng vai trò tích cực trong phòng chống tham nhũng, song ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước, cũng cho rằng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao vai trò của cơ quan này trong phòng chống tham nhũng.

Theo ông Phớc, từ năm 2011 - 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xử lý tài chính 231.946 tỉ đồng, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 741 văn bản. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII, năm 2016 tới nay đã xử lý tài chính 129.683 tỉ đồng, trong đó năm 2016 là trên 38.000 tỉ đồng, thu về ngân sách 11.000 tỉ đồng. Năm 2017 xử lý 91.000 tỉ đồng, thu về ngân sách và giảm chi 41.000 tỉ đồng. Kiến nghị thay thế 309 văn bản, chuyển cho cơ quan điều tra 6 vụ việc.
“Thời gian vừa qua, ngoài kiểm toán thường niên về tài chính công và tài sản công, KTNN đã tập trung chỉ đạo kiểm toán theo chuyên đề. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, chúng tôi đã kiểm toán những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm như đất đai, khoáng sản, BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và quản lý sử dụng vốn ODA... Những kết quả và kiến nghị về cơ chế chính sách của KTNN trong thời gian qua đã được cơ quan quản lý nhà nước kịp thời ghi nhận để hoàn thiện và bổ sung kịp thời”, ông Phớc nêu và cho biết trong năm 2017 KTNN đã được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp nghe báo cáo 3 lần để sau đó hoàn thiện các chính sách, nghị định trong các lĩnh vực quản lý, chống thất thoát.
Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới đất đai, thuế
Tuy nhiên, ông Phớc cho biết hiện công tác phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán vẫn còn một số vướng mắc. Chẳng hạn, luật KTNN vẫn chưa quy định cho phép KTNN được kiểm toán trực tiếp các đơn vị, tổ chức có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, trong tình trạng trốn thuế và chuyển giá lớn như hiện nay. Bên cạnh đó, KTNN cũng không được kiểm toán trực tiếp trong các lĩnh vực đất đai và khoáng sản. “Đây cũng là một khoảng trống lớn mà chúng tôi kiến nghị sửa đổi luật để KTNN được tham gia một cách trực tiếp vào các lĩnh vực này”, ông Phớc kiến nghị.
Tổng KTNN cũng cho hay đang thiếu các quy định về định giá. Chẳng hạn, việc xác định giá trị doanh nghiệp ngoài nhà nước, tức doanh nghiệp tư nhân hay xác định giá đất. “Hiện nay, Nghị định 59 năm 2011 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần chỉ xác định giá trị của doanh nghiệp mà chưa có quy định xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp tư nhân. Nếu sau này chúng ta mua lại một số công trình hay doanh nghiệp tư thì không có cơ sở nào để xác định”, ông Phớc dẫn chứng.
Tương tự, đối với việc xác định giá đất, ông Hồ Đức Phớc nhìn nhận đây là vấn đề có thể tạo nên thất thoát trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai. “Hiện nay, chúng ta có 5 phương pháp xác định giá đất, nhưng cả 5 phương pháp đều không sát với giá thị trường, cơ sở không vững chắc. Do đó, chúng tôi đề nghị phải hoàn thiện trong luật Đất đai”, ông Phớc nêu, đồng thời cho rằng trong lĩnh vực khác như thuế, đối tác công tư… đều cần phải có sự hoàn thiện về chính sách, khắc phục các bất cập.
Một vướng mắc khác, theo ông Phớc, là hiện vẫn thiếu quy định về chức năng giám định tài chính công trong luật Giám định tư pháp đối với KTNN. “Trong thời gian vừa qua, KTNN được các cơ quan điều tra gửi hồ sơ giám định tư pháp đến nhưng chúng tôi không làm được, vì trong luật không có quy định. Kể cả giám định giá trị doanh nghiệp cũng chưa có cơ sở”, ông Phớc dẫn chứng và đề nghị cần sớm có sự sửa đổi và bổ sung.
Bên cạnh đó, ông Phớc cũng cho biết luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chưa quy định thẩm quyền phối hợp, ban hành thông tư liên tịch giữa các cơ quan như KTNN, Viện kiểm sát, Công an và Thanh tra Chính phủ, hay hiện nay chưa có chế tài cụ thể quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán… Từ đó, để đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, ông Phớc đề xuất cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới các lĩnh vực đất đai, thuế, tài chính công, tài sản công…; sửa đổi luật Giám định tư pháp, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật KTNN… “Đặc biệt, cần phải sửa đổi luật Giám định tư pháp, luật Phòng chống tham nhũng có quy định chức năng nhiệm vụ của KTNN trong công tác phòng chống tham nhũng”, ông Phớc nêu.
Bài vở cộng tác, xin gửi về địa chỉ Báo Thanh Niên 268 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM hoặc email: duongdaynong@thanhnien.vn, ghi rõ gửi chuyên mục Hiến kế phòng chống tham nhũng. Ngoài bút danh, tác giả cần nêu rõ địa chỉ và điện thoại để tòa soạn tiện liên lạc.
Báo Thanh Niên xin trân trọng mọi ý kiến gửi tới chuyên mục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.