Hiến pháp quy định gì khi Chủ tịch nước từ trần?

Phan Thương
Phan Thương
21/09/2018 15:28 GMT+7

Theo quy định của Hiến pháp thì Phó chủ tịch nước sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Theo nguồn tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, ông Trần Đại Quang, sinh năm 1956, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần lúc 10 giờ 5 phút ngày 21.9.2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Chủ tịch nước từ trần, ai sẽ là người tạm thời thay thế Chủ tịch nước? Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Điều 93 Hiến pháp 2013 quy định: "Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới”.
Từ quy định trên, luật sư Hoan cho hay trong trường hợp Chủ tịch nước từ trần thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới trong kỳ họp gần nhất.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sinh năm 1959, quê quán tỉnh Quảng Nam. Bà Thịnh là cử nhân luật, cử nhân lịch sử, cử nhân lý luận chính trị, thạc sĩ xây dựng Đảng. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh từng đảm nhiệm các chức vụ Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó chánh Văn phòng T.Ư Đảng. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng khoá XII, Đại biểu quốc hội khóa 13.
Ngày 8.4.2016, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đắc cử chức Phó chủ tịch nước với 450 phiếu thuận, chiếm tỷ lệ hơn 91% đại biểu tham gia bỏ phiếu.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh Ảnh: Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.