Hồ Đan Kia đối mặt nguy cơ ô nhiễm

06/12/2019 05:37 GMT+7

Hồ Đan Kia - Suối Vàng mỗi ngày cung cấp trên dưới 55.000 m3 nước sinh hoạt cho thành phố du lịch Đà Lạt và một phần H.Lạc Dương (Lâm Đồng), đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm.

Hồ Đan Kia - Suối Vàng (hồ Đan Kia) nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Đây là nơi khởi nguồn của hệ thống sông Đồng Nai rộng lớn. Hồ có diện tích lưu vực khoảng 13.000 ha phần lớn thuộc H.Lạc Dương, phần còn lại thuộc TP.Đà Lạt.
Đây là hồ đa chức năng vừa là thắng cảnh du lịch, cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Ankroet, nước sinh hoạt cho TP.Đà Lạt và nước tưới nông nghiệp... Những năm gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có nhiều văn bản chỉ đạo UBND H.Lạc Dương, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cùng các sở ban ngành liên quan tăng cường việc quản lý nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan, nguồn nước của hồ Đan Kia.

Hồ nước vẫn bị xâm lấn

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, những ngày đầu tháng 12.2019, khu vực lòng hồ Đan Kia đoạn qua thôn Đan Kia, xã Lát (H.Lạc Dương) vẫn xảy ra tình trạng san gạt đất, lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan. Tại đây còn xảy ra tình trạng cưa hạ thông, đốt phi tang để chiếm đất.
Theo một số người dân thôn Đan Kia, hoạt động san ủi đất vẫn diễn ra thường xuyên. Sau khi tạo mặt bằng, các nhà kính được dựng lên, nhưng một thời gian sau chủ vườn bán lại cho những người dân vùng khác đến trồng rau, hoa.
Mới đây, sau khi các sở ngành liên quan trực tiếp khảo sát, kiểm tra đã có báo cáo nêu rõ các nguồn tác động đang gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Đan Kia. Cụ thể xung quanh hồ có tới 1.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc; trong đó nhiều diện tích nằm trong hành lang bảo vệ hồ. Do đó nước hồ bị ô nhiễm từ phân bón hữu cơ, vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì sau sử dụng và rác thải nông nghiệp không được thu gom đúng quy định đã phát sinh ra môi trường và theo các dòng suối chảy về hồ Đan Kia.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tự phát quanh hồ và nước thải sinh hoạt của người dân chưa qua xử lý một phần từ TP.Đà Lạt và H.Lạc Dương đổ về lưu vực hồ cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm. Theo Sở TN-MT Lâm Đồng, tình trạng san gạt, lấn chiếm đất trái phép để canh tác nông nghiệp làm tăng nguy cơ xói mòn, rửa trôi đất gây bồi lắng phù sa làm thông số tổng chất rắn lơ lửng (TSS) của hồ Đan Kia vượt quy chuẩn 1,03 - 3,5 lần mức cho phép.
Trước những “cảnh báo” đó, ngày 26.11, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản chỉ đạo việc tăng cường quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng giao UBND H.Lạc Dương và UBND TP.Đà Lạt, Sở NN-PTNT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng hồ; nghiêm cấm xả chất thải, nước thải, rác thải, đặc biệt rác thải từ sản xuất nông nghiệp xuống suối hồ; cấm san gạt đất cải tạo mặt bằng trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, cấm khai thác khoáng sản trái phép... Với Sở TN-MT phải định kỳ quan trắc chất lượng môi trường nước hồ Đan Kia - Suối Vàng, kịp thời báo cáo nếu chất lượng nguồn nước có diễn biến bất thường.
Với hai công ty đang khai thác, sản xuất nước sinh hoạt gồm Công ty CP cấp thoát nước Lâm Đồng và Công ty CP cấp nước Sài Gòn Đan Kia phải lắp đặt thiết bị quan trắc giám sát việc khai thác sử dụng nguồn nước, chất lượng nước; thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố ảnh hưởng xấu tới môi trường và nguồn nước.
Ngày 5.12, ông Lê Chí Quang Minh, Phó chủ tịch UBND H.Lạc Dương, cho biết thực hiện chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng, huyện đang tổ chức kiểm tra việc xâm lấn khu vực lòng hồ và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật quanh hồ Đan Kia - Suối Vàng để tiêu hủy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.