Hồ Dầu Tiếng mất an toàn do khai thác cát

12/10/2017 10:54 GMT+7

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (thuộc Bộ NN-PTNT) vừa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho hồ Dầu Tiếng trước tình trạng khai thác cát quá mức như hiện nay.

Nguy cơ thủng hồ
Tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh mới đây, ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi DầuTiếng - Phước Hòa cho rằng hiện nay tình trạng khai thác cát quá mức trong lòng hồ Dầu Tiếng (thuộc H.Dương Minh Châu, Tây Ninh) rất đáng báo động và có nguy cơ gây mất an toàn cho hồ đập và ô nhiễm nguồn nước trong hồ.
Xử phạt nhiều cá nhân, đơn vị hút trộm cát
Tháng 7.2017, UBND tỉnh Tây Ninh xử phạt hành chính đối với ông Bùi Thanh Liêm (57 tuổi, ngụ TX.Tân Uyên, Bình Dương) 203,5 triệu đồng (gồm xử phạt chính 150 triệu đồng và 53,5 triệu đồng truy thu bán cát) về hành vi khai thác cát trái phép. Ông Liêm khai nhận đã khai thác và bán ra trên 475,3 m3 cát. Đến tháng 9.2017, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng đối với Tạ Chí Hoàn (52 tuổi, ngụ xã Minh Hòa, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) vì đã khai thác trên 120 m3 cát trái phép.

Cụ thể, trong lòng hồ Dầu Tiếng hiện đang có 12 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát với sản lượng bình quân 350.000 m3/đơn vị trong thời hạn 5 năm.
“Nhưng trên thực tế chưa đầy một năm thì các doanh nghiệp đã khai thác đủ sản lượng cho phép bởi các tàu, thuyền hút cát trong lòng hồ tranh thủ hút cả ngày lẫn đêm để tăng sản lượng khai thác, đưa đi tiêu thụ…”, ông Khoa phát biểu.
Cũng theo ông Khoa, nội dung của giấy phép khai thác cát là nạo vét và khai thác cát bồi lắng nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng phương pháp khoan tầng, bơm, hút có độ sâu từ 10 m trở lên vì cát bồi lắng trên thực tế không còn.
“Nếu tình trạng này kéo dài, đáy hồ có nguy cơ sẽ thủng thì hậu quả sẽ khó lường”, ông Khoa trình bày. Trước tình hình trên, ông Khoa đề nghị tỉnh Tây Ninh tăng cường sự phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong các hoạt động xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình, khai thác cát…
Kiến nghị xử lý
Ngoài ra, trong khu vực hồ Dầu Tiếng (trong lòng hồ và vùng đất bán ngập) và trên thượng nguồn có nhiều hoạt động kinh tế diễn ra gây ảnh hưởng đến nguồn nước như: nhà máy chế biến mủ cao su, người dân xâm canh trồng sắn, mía và chăn thả gia súc, gia cầm trong vùng bán ngập…
Tất cả các hoạt động kéo bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật cho đến những sản phẩm sau thu hoạch không được kiểm soát, gây nguy cơ ngày càng ô nhiễm nặng nguồn nước. Do đó, đề nghị tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, nhất là người dân sống ven khu vực lòng hồ Dầu Tiếng các văn bản pháp luật của Chính phủ về công tác khai thác, bảo vệ đê điều, bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong các hoạt động đánh bắt thủy sản trong lòng hồ, xả chất thải, nước thải không đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước hồ.Cũng tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH, đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn về thực hiện Luật Thủy lợi (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018) vì hiện nay trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp xâm hại các công trình thủy lợi (xe tải lưu thông, gây sạt lở, hư hại bờ kênh) nhưng cơ quan chức năng chưa được quy định rõ thẩm quyển xử phạt đối với trường hợp vi phạm này.
Mặc khác, hệ thống công trình thủy lợi nằm trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM. Do đó, việc bảo vệ công trình vẫn theo địa giới hành chính, chưa có quy chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý chuyên ngành, các xã, các huyện và các tỉnh trong công tác đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm về pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nên rất khó khăn cho công tác quản lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.