Hỗ trợ ngư dân vươn ra biển xa

15/05/2011 00:15 GMT+7

Ngày 14.5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Quảng Ngãi, gồm các ông Võ Tuấn Nhân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường của QH; Trần Xi Noa, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi; Trịnh Đình Thạch, Phó chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại huyện đảo Lý Sơn.

Các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động, nêu quyết tâm nếu được tín nhiệm sẽ đem hết năng lực làm tròn nhiệm vụ của người ĐBQH. Ông Võ Tuấn Nhân cho rằng, Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của đất nước. "Thế mạnh trong việc phát triển kinh tế của Lý Sơn đó là tiềm năng thủy sản. Vì thế đẩy mạnh phát triển kinh tế biển là chủ trương đúng đắn mà huyện Lý Sơn đã xác định phù hợp với chủ trương của quốc gia trong việc thực hiện Chiến lược biển VN đến năm 2020", ông Nhân nói.

 

 Kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn - Ảnh: H.C

Trình bày chương trình hành động, ông Trịnh Đình Thạch nói rằng đảo Lý Sơn là nơi lưu giữ nhiều bằng chứng của ông cha để lại chứng minh chủ quyền của đất nước trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều ngư dân Lý Sơn nổi tiếng, được người dân trong nước và nước ngoài biết đến về sự can trường bám biển xa, dẫu nơi trùng khơi ấy luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc, rủi ro. Do vậy, các lực lượng chức năng phải bảo vệ ngư dân hoạt động trên biển. Đó là cách tốt nhất để ngư dân vừa khai thác hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. "Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, nâng cao khả năng ứng phó trong mọi tình huống, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng của người lính trên đảo Lý Sơn", ông Thạch nhấn mạnh.

Nhiều cử tri huyện đảo Lý Sơn đề đạt, gửi gắm đến các ứng cử viên ĐBQH một số vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội với mong mỏi trong những năm tới Lý Sơn sẽ giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng. Cử tri Phạm Thoại Tuyền thẳng thắn đặt vấn đề: Lý Sơn là cái nôi của đội hùng binh Hoàng Sa. Hàng trăm năm trước, các bậc tiền nhân đã giong buồm đi mở cõi, bảo vệ gìn giữ lãnh hải của Tổ quốc. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Lý Sơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngư dân khai thác ở ngư trường này luôn phập phồng lo âu bởi bị phía Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu đòi tiền chuộc, khiến nhiều gia đình tán gia bại sản. Trong năm 2010 vừa qua, 4 tàu với 52 ngư dân Lý Sơn khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc vây bắt, đập phá, lấy đi một số tài sản và phạt tiền gây thiệt hại khoảng 1,7 tỉ đồng... "Nhà nước phải có chiến lược giúp ngư dân ra Hoàng Sa khai thác hải sản, thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân giúp họ giảm bớt gánh nặng mỗi khi gặp tai ương trên biển", ông Tuyền kiến nghị.

Một số cử tri cho rằng việc giúp đỡ ngư dân bị nạn có cái ăn, vượt qua khó khăn trước mắt là điều đáng quý, nhưng cái cần thiết nhất là nguồn vốn đóng mới tàu để tiếp tục bám biển. Cử tri Đặng Huỳnh Trọng, chủ tàu cá QNg 66155-TS công suất 45CV, cho biết nhiều ngư dân Lý Sơn rất mong Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp để đóng tàu có công suất lớn mới có thể vươn ra ngư trường xa, bám biển dài ngày.

Để xây dựng đảo Lý Sơn phát triển một cách bền vững, nhiều cử tri cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đầu tư lớn tiềm lực về quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo như: bờ kè chống xâm thực của triều cường, điện thắp sáng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trồng rừng tạo cảnh quan thiên nhiên để đảo thành địa điểm du lịch hấp dẫn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Theo ông Võ Tuấn Nhân, những ý kiến của cử tri huyện đảo Lý Sơn đề đạt với các ứng cử viên ĐBQH là hết sức chính đáng. "Nếu được cử tri tín nhiệm, chúng tôi sẽ phản ánh những ý kiến này đến QH, trong đó việc tìm giải pháp để ngư dân đánh bắt xa bờ yên tâm và quỹ hỗ trợ rủi ro trên biển là vấn đề hết sức cấp thiết. Có như vậy ngư dân mới mạnh dạn tiến ra biển xa, khai thác tiềm năng biển đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc".  

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.