Hoãn trình luật Biểu tình: 'Quốc hội trả lời cử tri thế nào?'

02/03/2016 12:51 GMT+7

Việc 10 năm không ra được luật Biểu tình sẽ khiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khó có câu trả lời thoả đáng với cử tri.

Việc 10 năm không ra được luật Biểu tình sẽ khiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khó có câu trả lời thoả đáng với cử tri.
 

truong-trong-nghiaĐBQH Trương Trọng Nghĩa - Ảnh : Ngọc Thắng

Đây là quan điểm của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trước việc luật Biểu tình tiếp tục được Chính phủ đề nghị hoãn trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới.

Thanh Niên: Ông có suy nghĩ như thế nào về việc vừa qua Chính phủ chính thức xin rút dự án luật Biểu tình khỏi chương trình kỳ họp tới của Quốc hội (QH)?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Trước hết phải nói rõ là việc ban hành các luật về lập hội, biểu tình nằm trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị. Đây là Nghị quyết xác định cụ thể những quan điểm chỉ đạo, đề ra các định hướng lớn và những giải pháp cơ bản cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Như thế việc xây dựng luật Biểu tình trước hết là một yêu cầu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị. Ở nước ta Đảng lãnh đạo Nhà nước nên từ yêu cầu của Nghị quyết đó, Quốc hội đã triển khai đưa vào xây dựng luật. Trong Nghị quyết 48 đã nêu rất rõ: “Xây dựng các đạo luật về lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm của công dân trong việc thực thi quyền dân chủ và trách nhiệm của Nhà nước trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng”.

Yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 48 từ cách đây hơn 10 năm, qua 2 khóa Quốc hội rồi nhưng chúng ta vẫn không làm xong cho thấy 2 điều. Thứ nhất là Nghị quyết của Đảng đã không được hoàn thành. Thứ hai là Nghị quyết của Quốc hội về việc này cũng không được thực hiện nghiêm khi đã ấn định thời gian cụ thể nhưng rồi cứ hoãn đi hoãn lại. Cần phải nói thêm là Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực cũng như một đạo luật.

Quốc hội khóa 13 trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình sẽ trả lời cử tri về vấn đề này như thế nào? Nếu chúng ta chấp nhận tiền lệ này có lẽ tới đây mỗi lần Quốc hội ra nghị quyết, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, người dân sẽ hỏi nghị quyết này ông đặt ra rồi có làm không? Có bị hoãn gì nữa không?

Chính các ĐBQH khi thông qua nghị quyết cũng sẽ phải tự đặt câu hỏi rằng việc bấm nút thông qua ban hành nghị quyết của cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội thực chất hiệu lực có nghiêm hay không? Xây dựng luật pháp là nhiệm vụ chính của Quốc hội mà nghị quyết về xây dựng luật pháp lại không được thực hiện nghiêm.

Cho đến nay tôi chưa thấy có sự giải trình đầy đủ đối với các ĐBQH về việc này. Cũng chưa có sự giải thích nào với nhân dân, cử tri. Bởi vì xây dựng luật này là trách nhiệm của Chính phủ với Quốc hội nhưng xây dựng luật cũng là trách nhiệm của Quốc hội với cử tri. Thực hiện nghị quyết không nghiêm, không hoàn thành thì phải có giải trình. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là sắp tới đây sẽ có kỳ bầu cử Quốc hội khóa mới. Nếu không làm rõ vấn đề này, các ĐBQH khóa 13 khi bị cử tri chất vấn, chắc chắn sẽ không biết phải giải trình với nhân dân, cử tri như thế nào?

Thanh Niên: Việc trình dự luật Biểu tình đã được xin hoãn nhiều lần. Theo ông cần có một dạng chế tài nào đó để tránh tái diễn tình trạng này hay không?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Gọi là nghị quyết mà không có chế tài khi không thực hiện thì có lẽ Quốc hội chỉ nên lên chương trình, kế hoạch làm luật chứ đừng gọi là nghị quyết nữa. Như đã nói, Nghị quyết của Quốc hội có tính pháp lý nên nếu không được chấp hành thì phải có chế tài trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Một điểm nữa cần nói thêm là Việt Nam đã hội nhập 20 năm. Đa số các quốc gia đều có luật Biểu tình để quản lý. Trong 20 năm hội nhập như thế, chúng ta dư sức tham khảo kinh nghiệm của các nước. 20 năm qua Việt Nam cũng không thiếu chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực liên quan chẳng lẽ lại không có khả năng xây dựng luật này trong 10 năm qua hay sao? Thời gian 10 năm không hề ngắn ngủi. Ngay việc sửa Hiến pháp lớn như thế cũng chưa tới 5 năm.

Thanh Niên: Hiện nay có nhiều vấn đề bức xúc, trong đó có chuyện Trung Quốc ngày càng lấn tới trên Biển Đông, người dân có nhu cầu chính đáng thể hiện quan điểm của mình. Trong khi ở nước ngoài, người dân Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhưng ngay tại nước mình lại rất khó khăn. Về phía chính quyền cũng lúng túng vì chưa có hành lang pháp lý đầy đủ. Theo ông việc tiếp tục trì hoãn dự luật này sẽ có hệ lụy gì?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 vào tháng 5.2014, nhiều ĐBQH đã thấy được tình hình bức xúc liên quan đến luật Biểu tình đối với cả người dân cũng như trong quản lý nhà nước. Biểu tình như thế nào là đúng pháp luật thì chưa có gì cụ thể. Quản lý của Nhà nước như thế nào cũng chưa rõ.

Thực tế đúng là có những cuộc biểu tình xuất phát từ động cơ tốt nhưng diễn biến thực tế thành trái pháp luật, lúc đó Nhà nước phải can thiệp. Những người tổ chức hay thúc đẩy cuộc biểu tình trở thành trái pháp luật, gây ra những thiệt hại thì cũng phải chịu trách nhiệm. Tháng 5.2014, tình hình bức xúc, đặc biệt khi xảy ra vụ giàn khoan 981 thì rõ ràng về phía quản lý nhà nước cũng rất lúng túng. Vì thế tại kỳ họp 7 (5.2014), Quốc hội đã ra nghị quyết sẽ lấy ý kiến luật Biểu tình trong kỳ họp thứ 9 (tháng 6.2015) và thông qua trong kỳ họp thứ 10 (tháng 11.2015). Nhưng rồi đến kỳ họp thứ 9, Chính phủ lại xin hoãn để đưa vào chương trình của Quốc hội nhiệm kỳ sau.

Như thế ở đây có hai câu chuyện.

Thứ nhất, việc chưa có luật đã cản trở, hạn chế nhân dân thực hiện quyền con người, quyền công dân của mình trong khi việc thực hiện quyền này vừa có lợi cho nhân dân cũng như có lợi cho đất nước.

Thứ hai là việc chưa có luật cũng đồng thời làm cho Nhà nước lúng túng về mặt quản lý. Hiện nay việc hạn chế biểu tình bằng văn bản dưới luật là trái với Hiến pháp, đồng thời cũng không tuân thủ nghiêm Nghị quyết của Đảng, Quốc hội như đã nói ở trên. 10 năm rồi vẫn tiếp tục xin hoãn làm ĐBQH khó xử, không biết trả lời với nhân dân như thế nào.

Thanh Niên: Trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây được báo chí đưa tin cho thấy có nhiều quan điểm khác nhau trong các cơ quan tham gia xây dựng luật. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa bày tỏ luật Biểu tình đã có thể trình ra Quốc hội rồi nhưng cũng có quan điểm cho rằng chờ tình hình an ninh tốt mới đưa ra luật Biểu tình. Ông có suy nghĩ như thế nào?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Có luật tốt sẽ giúp cho quản lý nhà nước tốt, giảm thiểu các yếu tố rủi ro, các yếu tố bộc phát. Điều này cũng có nghĩa là sẽ tốt hơn cho việc bảo đảm an ninh. Tôi có thể nêu ra một ví dụ điển hình liên quan đến điều chúng ta đang nói, là Sắc lệnh số 31, do Chủ tịch Chính phủ lâm thời VNDCCH Hồ Chí Minh ký ngày 13.9.1945. Đây là sắc lệnh quy định về thể thức tổ chức các cuộc biểu tình.

Phải nói rõ về bối cảnh ra đời của sắc lệnh này để thấy ý nghĩa của nó. Thời điểm sau khi nhà nước VNDCCH được thành lập (2.9.1945), tình hình chống phá chính quyền cách mạng non trẻ rất khủng khiếp. Nhiều lực lượng, đảng phái tìm mọi cách lật đổ chính quyền, người Pháp thì không công nhận chính quyền, Tưởng thì lăm le nhảy vào để giải giáp Nhật - lúc đó cũng còn một lực lượng lớn đang ở Việt Nam. Có thể nói lúc đó có đến 3 lực lượng ngoại xâm, thù trong giặc ngoài, tình hình thì vô cùng phức tạp.

Nhưng ngày 13.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ra sắc lệnh nêu rõ “tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hòa” nhưng “trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao” và cho phép biểu tình nhưng báo trước 24 tiếng với Ủy ban nhân dân sở tại.

Theo cách suy nghĩ của chúng ta hiện tại thì đáng ra lúc đó phải cấm đúng không? Vậy tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại quyết định như vậy? Thực chất trước khi có nhà nước VNDCCH, người dân Việt Nam dưới chính quyền phong kiến không có quyền biểu tình. Do đó sắc lệnh 31 thực chất cho phép người dân có quyền biểu tình nhưng nói rõ là do tình hình phức tạp phải báo trước 24 tiếng thôi.

Tình hình Việt Nam hiện nay so với thời điểm đó, chúng ta tự thấy thế nào? Vì sao thời điểm đó phức tạp như vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh không cấm biểu tình trong khi bây giờ chúng ta không ra được luật vì phải chờ tình hình an ninh tốt?

Cần thấy rằng chính vì cần phải bảo đảm an ninh mới cần có luật. Bởi vì, nhà nước pháp quyền phải quản lý xã hội bằng luật và hạn chế quyền con người chỉ bằng luật. Có luật tốt, thi hành nghiêm thì bảo đảm tốt an ninh. Nghị quyết Đảng và Quốc hội đề ra từ 10 năm nay. Cử tri sẽ hỏi: thời gian không quá ngắn, chuyên gia, học giả không thiếu, vậy tại sao lại nghị quyết lại không hoàn thành?

Thanh Niên: Xin cảm ơn ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.