Học sinh thấp thỏm... đến trường

13/11/2015 00:00 GMT+7

Hàng trăm học sinh ở xã Quảng Minh (TX.Ba Đồn, Quảng Bình) phải đi đò đến lớp mỗi ngày mà không được trang bị áo phao.

Hàng trăm học sinh ở xã Quảng Minh (TX.Ba Đồn, Quảng Bình) phải đi đò đến lớp mỗi ngày mà không được trang bị áo phao.

Nguy hiểm rình rập các em học sinh trên những chuyến đò ngang - Ảnh: Phan ThủyNguy hiểm rình rập các em học sinh trên những chuyến đò ngang - Ảnh: Phan Thủy
Nhiều năm qua, các thôn: Cồn Nâm, Minh Hà, Tân Định, Đông Thành thuộc xã Quảng Minh gồm 500 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 200 em học sinh THCS, THPT vẫn sống trong cảnh “đò giang” mỗi ngày. Những thôn cồn bãi này như một ốc đảo nằm tách biệt bên kia sông Gianh, muốn qua sông ra bên ngoài, người dân chỉ có thể đi bằng những chiếc đò gỗ. Mỗi lần qua sông như thế, phải mất hơn 10 phút, chưa kể những nhà ở xa phải đi xe máy tới bến... Ở vùng cồn bãi này, hiện mới chỉ có điểm trường mầm non và tiểu học. Vì vậy, các em học sinh THCS, THPT phải đi đò đến các điểm trường. Tại bến đò nối thôn Cồn Nâm và Minh Lệ vào giờ tan trường, chúng tôi chứng kiến hàng chục em học sinh thấp thỏm chờ đò để về nhà. Khi chiếc đò gỗ cập bến, các em chạy ào ra kéo nhau lên, chen chúc ngồi hai bên mạn đò. Trên chiếc đò khá cũ này, chỉ có vài ba chiếc phao và áo phao cứu hộ treo ở phía mũi, nhưng không ai mặc cả. Em Hoàng Vũ Anh Tuấn, (13 tuổi, trú thôn Minh Hà) cho biết: “Sáng nào em cũng đi từ 5 giờ để cho kịp giờ học. Em và các bạn trong thôn đạp xe ra bến đò gửi xe rồi đi đò sang sông đến trường. Nhiều lần, chúng em phải chờ đò đến 30 phút, thậm chỉ là cả tiếng đồng hồ”. “Hôm nào trời mưa to, đò không chạy thì em đành phải nghỉ học. Có thời điểm mưa liên tục 3 - 4 ngày, không thể đi học được nên khi đến lớp, nhiều môn em không theo kịp bạn bè. Mùa nắng còn đỡ, chứ sang mùa đông trời tối, lại lạnh nữa nên bọn em toàn bị muộn học”, em Mai Thị Lệ Hằng (trú thôn Tân Định) cho biết. Chị Hoàng Thị Hồng Thái - một chủ đò cho biết đối với học sinh tiền đò thu theo năm, mỗi năm từ 50 ngàn đồng/một em.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng thôn Cồn Nâm, không riêng học sinh mà cả người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn: “Có ai đau ốm phải đi cấp cứu lúc đêm hôm thì người thân phải tới nhà chủ đò nài nỉ để người ta lái đò qua sông với giá đắt đỏ. Đó là chưa kể nhiều khoản chi phí khác đều phát sinh với giá trên trời...”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh mong mỏi: “Người dân ở đây luôn mong có một cây cầu kiến cố để qua bên kia sông. Trong những đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị xin xây cầu cho người dân. Vừa rồi, UBND tỉnh cũng đã có công văn về khảo sát, nhưng đến bao giờ có cầu thì chúng tôi vẫn chưa biết”, ông Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.