Hôm nay 'chốt' phương án tăng lương tối thiểu vùng 2019?

Thu Hằng
Thu Hằng
26/07/2018 09:12 GMT+7

Sáng nay, 26.7, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 về tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Liệu trong phiên họp này, các bên có thể “chốt” phương án tăng lương khi khoảng cách đang ở mức 8%?

Trong phiên họp lần 1 diễn ra ngày 9.7, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% (từ 220.000 - 330.000 đồng/tháng). Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện giới chủ, lại đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019, mà giữ mức lương tối thiểu như hiện tại.
Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đưa ra phương án để 2 bên tham khảo với mức tăng là 5,3%.
Ngoài căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TƯ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, theo bộ phận kỹ thuật, cơ sở để đưa ra mức đề xuất này là do tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiền lương thu nhập của người lao động năm 2018, thì phải dựa trên khoảng cách thiếu hụt giữa mức lương tối thiểu vùng hiện nay và mức sống tối thiểu năm 2020 (từ 8,4 - 10,4%, tương ứng 250.000 - 390.000 đồng) .
"Lương tối thiểu chắc chắn sẽ phải tăng trong năm 2019"
Trao đổi với Thanh Niên trước phiên họp thứ 2, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết sau phiên đàm phán đầu tiên, 2 bên đã có thời gian hơn nửa tháng để củng cố các thông tin, dữ liệu, chuẩn bị bước vào phiên tranh luận hôm nay.
“Trong bối cảnh hiện nay, quả là không dễ dàng với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, khi tỷ giá những ngày qua liên tục phá đỉnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, mức thu nhập không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, nhiều công nhân lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ. Vì vậy, trong phiên họp lần 2, các phương án tăng lương tối thiểu sẽ được nâng lên, đặt xuống, khó có thể “chốt” được phương án tăng lương tối thiểu trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, lương tối thiểu chắc chắn sẽ phải tăng trong năm 2019”, ông Diệp bày tỏ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ phiên họp các năm trước, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cũng cho rằng, việc thu hẹp khoảng cách của 2 bên trong phiên thứ 2 là điều không dễ, khi mỗi bên đều có những lý lẽ và dẫn chứng riêng. Cả 2 bên sẽ tính toán nâng lên, đặt xuống, có những điều chỉnh ở mức nhỏ nhất.
“Sẽ là khó khăn và không công bằng nếu chúng ta chỉ quan tâm tăng lương tối thiểu ở mức cao và cứ nhấn mạnh tới nhu cầu sống tối thiểu mà bỏ quên khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu năm 2019 chỉ nên tăng ở mức 5%. Mức tăng này tuy không cao bằng năm 2018, nhưng cũng phần nào đảm bảo lương thực tế cho người lao động trong điều kiện trượt giá của năm 2019”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận: “Chắc chắn 2 bên sẽ có nhượng bộ nhất định so với phiên 1, nhằm hướng tới mục tiêu chiến lược trong đàm phán của mỗi bên. Tôi cho rằng, lương tối thiểu năm 2019 chắc chắc sẽ phải tăng. Điều này đáp ứng yêu cầu thực tế và cũng là đạo lý”.
Trong năm 2017, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã nhóm họp 3 phiên. Kết quả cuối cùng, Hội đồng đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu 2018 là 6,5% so với mức lương tối thiểu 2017. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2018.
Theo đó, lương tối thiểu vùng năm 2018 được điều chỉnh tăng từ mức 180.000 - 220.000 đồng, trên 4 vùng lương, tính từ 1.1.2018.
Khuyến nghị hạn chế tăng lương tối thiểu năm 2019
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) gửi công văn tới Bộ LĐ-TB-XH đề nghị hạn chế tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Dẫn chứng về phiếu điều tra dành cho đối tượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Á, trong đó có tới 75,2% doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Koji Ito, Chủ tịch JCCI, cho rằng mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện chỉ sau Campuchia, Indonesia và Trung Quốc, đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất. Tăng lương gây ảnh hưởng đến kinh tế. Điều này có nguy cơ khiến doanh nghiệp cắt giảm lao động trong tương lai.
Theo đại diện JCCI, tương lai của ngành công nghiệp may, giày dép và ngành sản xuất chế tạo công nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn về chi phí lao động.
Vì vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cần dựa vào tình hình thực tế của kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời, cần cân nhắc các yếu tố để có thể xây dựng tiêu chuẩn hợp lý, không làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Mặc dù không đưa ra mức đề xuất cụ thể mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2019, song ông Koji Ito khuyến nghị Chính phủ Việt Nam hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu, nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.