Hơn 8,1 tỉ đồng viện trợ nhân đạo cho Quảng Nam

19/03/2010 15:49 GMT+7

(TNO) Ngày 9.3, tại hai xã Tam Dân và Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, Cơ quan Viện trợ Nhân đạo – Ủy ban châu u (ECHO) và tổ chức Malteser Internation (MInt – Đức) phối hợp với Báo Thanh Niên cùng Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam đã đưa 543 suất hàng cùng 45 tấm tôn đến hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau cơn bão số 9 năm 2009 (bão Ketsana).

20.200 lượt người được hưởng lợi

Đây là đợt cấp hàng viện trợ lần thứ 3 của dự án “Trợ giúp nhân đạo cho nạn nhân cơn bão số 9 tại tỉnh Quảng Nam” do ECHO MInt đồng tài trợ kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6.2010 với tổng giá trị dự án là 312.040 uuro (tương đương 8.113.040.000 đồng – tính theo tỉ giá euro tháng 1.2010).

Trước đó, trong tháng 2 và đầu tháng 3, dự án đã đưa 3.400 suất quà cùng 310 tấm tôn đến với người dân 16 xã thuộc hai huyện Nông Sơn và Hiệp Đức, Quảng Nam. Từ nay đến hết tháng 6.2010, dự án tiếp tục mang hàng viện trợ nhân đạo lên hai huyện miền núi Tiên Phước và Tây Giang, Quảng Nam.


Đối tượng nhận hàng viện trợ của ECHO và MInt như chị Ngô Thị Nhơn, 43 tuổi, bị bom đạn chiến tranh lấy đi đôi chân, trú thôn Cây Xanh, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam bị bão số 9 cuốn bay toàn bộ mái tôn…


Chị Phạm Tuyết Lan, bị tật bẩm sinh, đơn thân nằm trong danh sách được viện trợ nhân đạo


Bà Trần Thị Doãn, 86 tuổi, thôn Đàn Trung, Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ

Mỗi suất quà bao gồm: thùng đựng nước loại 80 lít, túi gạo 20 kg, túi vệ sinh gồm bột giặt, xà phòng, bàn chải và kem đánh răng với tổng trị giá hơn 350.000 đồng/suất. Ngoài ra, những hộ dân bị tốc mái trong đợt bão số 9 nhưng không đủ khả năng khắc phục hoặc còn che chắn tạm bợ được nhận những tấm tôn (trị giá 4,3 triệu đồng/tấm) để lợp lại nhà cửa.

Theo ước tính của MInt, tổng cộng có 7.000 hộ nghèo được cấp gạo để giải quyết thiếu lương thực, 7.400 hộ được cấp vật dụng vệ sinh phòng chống dịch bệnh, 660 hộ nghèo được cấp tôn và được hướng dẫn về gia cố mái nhà. 100 nhân viên y tế của xã được tập huấn nghiệp vụ, 40 người khác được đào tạo thành những kỹ thuật viên gia cố mái nhà và 5.000 hộ nghèo sẽ có lúa giống để tiếp tục sản xuất lương thực.

Ngay sau cơn bão số 9 tại Quảng Nam, từ 29.9 đến 5.11.2009, các nhân viên của MInt tại Việt Nam đã lập tức thu thập thông tin về thiệt hại của cơn bão từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp và báo chí. Không những thế, đội ngũ nhân viên của MInt đã tỏa xuống những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất để tiếp xúc, chia sẻ với người dân để thực hiện các “đánh giá nhanh nhu cầu” tại các xã thuộc vùng dự án. Từ đó, MInt đưa ra danh sách 5 huyện Phú Ninh, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước, Tây Giang với hàng chục ngàn hộ dân trên 25 xã bị thiệt hại nặng nề.

Dấu ấn áo xanh

Kể từ những ngày đầu tháng 2.2010 và kéo dài đến khi hoàn thành dự án vào tháng 6.2010, Văn phòng MInt tại TP Đà Nẵng (48 Nguyễn Chí Thanh, Quận Hải Châu) luôn quá tải bởi số lượng hàng đồ sộ lên đến 32.860 suất với gần chục loại hàng hóa. Đó là chưa kể mỗi điểm tập kết hàng viện trợ từ vài trăm đến vài ngàn suất trong khi lực lượng của MInt phải rải đều khắp các xã. Rất may, Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã kịp thời vào cuộc.


Tình nguyện viên tại TP Đà Nẵng chuẩn bị hàng ngàn suất hàng viện trợ


Đoàn viên Trần Văn Tú (bên phải), thôn Ngọc Giáp, xã Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam cùng các tình nguyện viên phân phối hàng cho người dân

Từ tháng 2 đến nay, gần 200 lượt thanh niên tình nguyện thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng đã đóng gói hàng ngàn thùng đựng nước, túi vệ sinh để đưa hàng cứu trợ lên 3 huyện kịp thời. Cứ trung bình 2 ngày/lần, nếu các bạn nam “đánh vật” với những thùng nước xếp cao quá đầu người hoặc những bao gạo nặng gần nửa tạ, thì các tình nguyện viên nữ cẩn thận phân loại nhu yếu phẩm vệ sinh và dán hướng dẫn làm sạch nước và rửa tay trên thùng nước.

Tiến Lâm - cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng, Trưởng nhóm tình nguyện viên của dự án tại TP Đà Nẵng - cho biết: “Ngay sau khi nhận thông tin từ Ban dự án và Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng, các bạn tình nguyện viên đã rất háo hức và sẵn sàng bắt tay vào việc, tuy số lượng hàng lớn khiến các tình nguyện viên khó xoay xở khi sắp xếp, phân bổ, thống kê số lượng nhưng mọi việc đâu cũng vào đấy”.

Trong khi đó, ở Quảng Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam đã huy động sẵn sàng 500 tình nguyện viên là cán bộ Đoàn tại các địa phương được viện trợ nhân đạo để giúp đỡ cho dự án trong việc vận chuyển, cấp phát hàng hóa. Anh Thái Bình – Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam - cho hay: “Dự án không chỉ mang lại vật chất cho người dân nghèo bị thiệt hại sau bão, mà thông qua các hoạt động tình nguyện, các Đoàn viên thanh niên được giáo dục tinh thần công tác xã hội và rèn luyện những kỹ năng trong cuộc sống thực tế”.

Hướng đến những công trình viện trợ bền vững

Trong đợt viện trợ nhân đạo lần thứ 3 của dự án tại huyện Phú Ninh, Quảng Nam, cô Sasinapa Asavaphanlert, đại diện ECHO và bà Cordula Wasser, Tham vấn về Việt Nam và Thái Lan thuộc Trung ương MInt đã cùng đến Việt Nam để thực hiện dự án.


Bà Cordula Wasser, Tham vấn về Việt Nam và Thái Lan thuộc Trung ương MInt (bên trái) và cô Sasinapa Asavaphanlert, đại diện ECHO (giữa) trao hàng viện trợ cho người dân xã Tam Dân, Phú Ninh

Đặc biệt, cô Sasinapa Asavaphanlert quan tâm đến viện trợ nhân đạo nhằm mang lại những hiệu quả bền vững, trong đó quan trọng nhất là giúp người dân chủ động phòng, tránh và đối phó với thiên tai khi chẳng may ập đến. Đồng thời, làm thế nào để sau bão, người dân có thể tự biết cách khử trùng nước bẩn, phòng tránh dịch bệnh. Chính vì vậy, các lớp đào tạo ra đời dành cho 40 tập huấn viên để họ hướng dẫn cho 660 hộ gia đình về gia cố mái nhà, và tập huấn cho 100 cộng tác viên y tế xã về vệ sinh và xử lý nước cũng nằm trong mục đích đó.

Hôm 10.3 tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức, bà Sasinapa Asavaphanlert và bà Cordula Wasser đã dự khán lớp tập huấn về vệ sinh và xử lý nước cho 20 cộng tác viên y tế xã nằm trong khuôn khổ của dự án.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của ECHO và MInt tham dự lớp tập huấn về gia cố mái nhà cho người dân huyện Hiệp Đức, Quảng Nam.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam cho biết, những suất quà viện trợ nhân đạo rất kịp thời để người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai. Nhưng về lâu dài, người dân vùng lũ cần có những dự án mang tính bền vững. Đơn cử như ở huyện Hiệp Đức, ông Mai Văn Ca, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Hiệp Đức, Quảng Nam cho biết: “Lực lượng thanh niên địa phương sẵn sàng xung kích trong bão lũ nhưng lại thiếu dụng cụ, đối với những địa phương nằm ở vùng trũng, cần nhất là ghe máy, phao cứu sinh, áo phao để đề phòng lũ cũng như cưa, rựa, búa để dùng thoát lũ, cứu người…”.

Nhà báo Lê Đức Hùng - Phó Trưởng đại diện Văn phòng Báo Thanh Niên tại miền Trung - chia sẻ: “Đối với những vùng thường xuyên chịu thiệt hại do bão lũ, người dân cần những công trình có yếu tố đặc thù như nhà cộng đồng vùng lũ, trường học có thiết kế tránh lũ để có thể chứa được 200 – 300 người cùng lúc. Có được những công trình công cộng bền vững như vậy, người dân có thể tự chuẩn bị lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm trước bão và chủ động đối phó hiệu quả”.

Bà Cordula Wasser, Tham vấn về Việt Nam và Thái Lan thuộc Trung ương MInt, nói: “Cảm ơn các đối tác của ECHO và Malteser như Báo Thanh Niên, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ thực hiện dự án, chúng tôi ở đây để lắng nghe đóng góp của quý vị về quá trình thực hiện dự án cũng như những nguyện vọng của người dân để trong tương lai, chúng tôi đưa ra những dự án phù hợp”.

Tổ chức Malteser International (MInt) có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực viện trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, tái xây dựng và phát triển ở nhiều nước tại châu Á như Campuchia, Sri Lanka, Afghanistan, Thái Lan, Philippines…

Tại Việt Nam và đặc biệt là miền Trung, tổ chức MInt đã thực hiện các dự án viện trợ nhân đạo và dự án phát triển từ 30 năm trước. Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam 1966 – 1975, MInt tham gia trợ giúp nạn nhân chiến tranh, chăm sóc sức khỏe, xây dựng, nâng cấp bệnh viện và các trung tâm y tế. Năm 1989, MInt trở lại Việt Nam phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương trong việc lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các dự án về chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo và đặc biệt là cứu trợ khẩn cấp sau bão lũ tại Đồng Tháp (năm 2000), Quảng Nam và TP Đà Nẵng vào các năm 1999, 2003, 2006, 2007, 2009. Sau 10 năm phối hợp hiệu quả với các chương trình từ thiện - xã hội, cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ phòng chống thiên tai giữa MInt và Báo Thanh Niên, lần này, MInt tiếp tục chọn Báo Thanh Niên làm đối tác chính – trực tiếp triển khai dự án “Trợ giúp nhân đạo cho nạn nhân cơn bão số 9 tại tỉnh Quảng Nam”. (Nguyễn Tú Nguồn: MInt cung cấp)

Bài, ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.