Họp mặt những người lập công đầu trong chiến dịch Mậu Thân 1968

20/01/2008 00:19 GMT+7

Hôm qua 19.1, tại TP.HCM, Khối vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến dự.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã ôn lại những tháng ngày hào hùng, oanh liệt; nghiêng mình tưởng niệm những đồng đội, đồng chí đã hy sinh trong 2 đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Trong chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được lệnh đánh vào các mục tiêu: dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn, trại Phi Long, Tổng nha, Cảnh sát, trại giam Chí Hòa, Đại sứ quán Mỹ. Vào thời điểm đó, quân địch ở miền Nam có đến gần 1,2 triệu, trong đó hơn 500 ngàn quân Mỹ, được trang bị vũ khí tối tân. Riêng tại nội đô Sài Gòn, địch bố trí số quân phòng thủ tương đương 4 sư đoàn Mỹ, 4 sư đoàn ngụy, 8 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 1 tiểu đoàn an ninh biệt khu thủ đô cùng hơn 20 vạn biệt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát và cảnh sát dã chiến... Trong khi đó, lực lượng biệt động trực tiếp của ta chỉ khoảng hơn 100 người, với vũ khí trang bị chỉ là AK, bộc phá, lựu đạn và B40. Nhưng với tinh thần sáng tạo và lòng yêu nước, các chiến sĩ biệt động sẵn sàng cảm tử tấn công. 5 trong số các mục tiêu được định sẵn gồm: dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân của địch, đã bị 5 đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định với 88 chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, đồng loạt nổ súng tấn công, chiếm giữ vào đêm 30.1.1968 (đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968). Dù sau đó, hầu hết các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu đều hy sinh hoặc rơi vào tay giặc do chúng mở các cuộc phản kích với số quân đông gấp nhiều lần, huy động cả xe tăng, thiết giáp, máy bay chiến đấu..., nhưng tinh thần quyết chiến, mưu trí, dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã dựng nên những "Tượng đài bất tử Mậu Thân".

Tháng 5.1968, các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định tiếp tục tham gia đợt 2 cuộc tổng tiến công Mậu Thân, bằng việc tấn công trực tiếp vào Đài truyền hình Sài Gòn, gây thiệt hại nặng nề...

Có thể nói lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã lập công đầu, như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhận xét: "...bằng tinh thần dũng cảm vô song "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", lực lượng Biệt động Sài Gòn đã mở đầu xuất sắc cuộc tấn công Sài Gòn và các đô thị, gây chấn động lớn, có thể nói đã lập công đầu...".

 Đức Trung 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.