Hướng dẫn xử lý hình sự hàng loạt hành vi gây ảnh hưởng đến phòng, chống dịch Covid-19

Thái Sơn
Thái Sơn
30/03/2020 18:58 GMT+7

Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hàng loạt hành vi gây ảnh hưởng đến công tác phòng ,chống dịch Covid-19 sẽ được cơ quan tố tụng áp dụng và nhanh chóng đưa ra xét xử.

Ngày 30.3, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành văn bản hướng dẫn xác định tội danh áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo hướng dẫn này, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly, nếu thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác, bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240, và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, gồm: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19, nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa, nếu thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh, thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người, theo Điều 295 bộ luật Hình sự, gồm: trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly (từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly); không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Tội danh theo Điều 295 cũng được áp dụng đối với chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh, khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên. 

Xử lý hình sự hành vi đưa tin sai sự thật; xúc phạm danh dự nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch Covid-19

Cũng theo hướng dẫn của TAND tối cao, người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin thông tin sai sự thật, thông tin liên tục về tình hình dịch Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế; người tham gia phòng, chống dịch Covid-19; người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19, thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, văn bản này cũng hướng dẫn TAND các cấp xác định các hành vi liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu khi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch, hoặc đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới…
Văn bản của TAND tối cao cũng đưa ra hướng dẫn về áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp với các trường hợp vi phạm. Theo đó, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người...); áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả, hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh).
Đối với vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ được các cơ quan tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn (đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn), theo quy định tại Điều 456 của bộ luật Tố tụng hình sự; đối với vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong thời gian có dịch bệnh Covid-19, phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra xét xử nhưng bảo đảm quy định về phòng, chống dịch (như phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người; trường hợp phải triệu tập người tham gia phiên tòa vượt quá số lượng này thì phải bố trí cho họ ngồi ở phòng khác và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, ti vi, camera...) để họ tham gia phiên tòa, hoặc xét xử lần lượt từng bị cáo, người tham gia tố tụng; bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu là 2 m…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.