Khu rừng nguyên sinh có tên Cấm Miếu rộng khoảng 10 ha, xanh ngút ngàn, nằm cách QL1 đoạn ngang qua H.Quế Sơn chừng 15 km về hướng tây. Từ lâu khu rừng được người dân xem là báu vật. Trong rừng, bạt ngàn cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm. Bao quanh cánh rừng già là đồng lúa xanh ngát, "điểm tô" bởi những khoảnh rừng keo.
Bình phong che chắn giông bão
|
Uống xong ly nước chè đặc quánh, cụ Đăng đưa chúng tôi vào chiêm ngưỡng “báu vật”. Vừa đi, cụ vừa cắt nghĩa: Cấm Miếu nghĩa là cấm kỵ, không được đụng vào. “Giống y như miếu thờ thành hoàng làng ở phía ngoài kia vậy, thiêng lắm!”, cụ giải thích.
Những bậc tiên hiền chọn nơi đây làm chốn lập làng, vì họ nhìn ra khu rừng như một bức bình phong vĩ đại, che chắn làng mỗi khi gặp cơn giông bão. Để tưởng nhớ tổ tiên, người ta đã xây dựng ngôi miếu ngay sát bìa rừng để hương khói. Thời kháng chiến chống Mỹ, bom đạn dội xuống khiến ngôi miếu hư hỏng, sau đó dân làng góp công góp của dời miếu vào trung tâm làng. Để rồi hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch, con dân làng Nghi Sơn biện lễ cúng để tưởng nhớ người xưa...
Rừng có thể che chắn làng, nhưng đã có thời “cơn sốt” cưa xẻ gỗ ập đến, kéo theo bao nhiêu người nhòm ngó thèm thuồng bởi bên dưới các tán rừng thâm u là nguồn gỗ quý. Để bảo vệ rừng, các bậc cao niên đứng đầu các dòng họ trong làng đã soạn hương ước, buộc cư dân Nghi Sơn từ già đến trẻ phải có trách nhiệm giữ rừng. Cụ Đăng kể, các hệ tôn phái, các bậc phụ huynh phải dạy dỗ con cháu không chặt phá cây. Ai vào đốt than, đốn củi thì bị phạt tiền, phạt lúa gạo. Ai vi phạm nặng sẽ bị trục xuất khỏi làng. Người ngoài làng xâm hại rừng, nếu phát hiện sẽ bị giữ lại, phạt nặng xong mới thả về...
|
Mất rừng là mất làng
|
Cũng theo cụ Phạm Đăng, xung quanh khu rừng Cấm Miếu có nhiều câu chuyện rất ly kỳ. Khi thi công đường dây điện trung thế đi qua làng, một số công nhân tự tiện chặt hạ một cây chò lớn để mở đường, nhưng khi đưa xe vào chở thì xe bị lật. Ở khu vực này, từng có lời đồn thổi hồi chiến tranh, có tiểu đoàn biệt động quân (VNCH) phóng hỏa đốt rừng để tránh trường hợp quân giải phóng ẩn mình. Tuy nhiên, lúc quân địch phóng hỏa, trời đang nắng bỗng đùng đùng sấm chớp, mưa gió ầm ầm, dập tắt lửa. Đặc biệt, bất cứ ai vào rừng săn thú, chặt củi đều bị “thần rừng” phạt cho một trận đau ốm. “Dân làng Nghi Sơn từ trẻ con đến người già không ai dám đụng chạm vào một nhánh cây của khu rừng Cấm Miếu đâu, vì sợ thần rừng trừng phạt”, cụ Đăng tâm sự.
Một số người dân ở Nghi Sơn cho biết, có người từng vào rừng đốn cây chỉ về để bán củi nhưng khi về đến nhà mặt sưng phù, phải vào miếu trong rừng khấn xin “thần rừng” tha thứ mới tai qua nạn khỏi. Điều ngạc nhiên hơn, cứ đến ngày tạ lễ thành hoàng làng, người dân tứ phương cũng tìm về đây hương khói, mang phẩm vật đến cúng bái để cầu nguyện những điều tốt lành. Những câu chuyện mang tính “bí ẩn” này, dù xuất phát từ đâu cũng góp một phần giúp người dân thêm tin vào giá trị của khu rừng mà họ có tình cảm, trách nhiệm phải gìn giữ.
Từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Hoạt (50 tuổi, người làng Nghi Sơn) đã nghe cha kể về chuyện linh thiêng ở rừng Cấm Miếu. “Không ai dám phá rừng, chỉ tìm cách để bảo vệ nó thôi”, ông Hoạt quả quyết.
Mà đúng là dân làng Nghi Sơn đồng tâm bảo vệ rừng. Mỗi nhóm gia đình cử 2 - 3 người luân phiên nhau đi kiểm tra hằng tuần, nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi thì lập tức báo tin. “Đã có nhiều vụ chúng tôi kịp thời phát giác nhóm người lạ muốn vào khai thác gỗ, báo cơ quan chức năng xử lý. Chúng tôi tự hào khi không hề có người dân nào trong làng vi phạm hương ước”, ông Trần Phước Vũ, Bí thư Chi bộ thôn Nghi Sơn, nơi có rừng cấm, hồ hởi khoe.
Chúng tôi thật sự choáng ngợp trước khu rừng nguyên sinh ở sát khu dân cư. Không mang một dấu vết bị tàn phá. Dây leo chằng chịt, cổ thụ san sát. Có gốc cây to đến 2 - 3 người ôm không xuể. Nhiều cụ cao niên ước tính có đến cả nghìn mét khối gỗ quý đang "cất giấu" ở khu rừng này, nào gõ, sơn, mít nài… “Đừng nói tiền triệu, dù cho cả tiền tỉ thì dân làng chúng tôi cũng không ai đụng đến một cây”, cụ Đăng cả quyết. Trải qua hàng trăm năm nay, làng Nghi Sơn giờ có hơn 30 dòng họ với 147 hộ, 630 nhân khẩu. Từ nhiều thế hệ trước, họ đã xem rừng cấm như tính mạng của mình. Trong tâm trí họ, mất rừng là mất làng.
Bình luận (0)