Thoát chết trong gang tấc
Sau ngày 30.4.1975, tình hình vùng mới giải phóng diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài số tàn quân, phản động ở vùng đồng bằng, các đối tượng Phulro cũng hoạt động hết sức táo bạo liều lĩnh. Đêm 31.8.1975, cả tiểu đoàn Fulro tập kích đánh chiếm doanh trại một đơn vị thuộc Sư đoàn 986 (Quân khu 6) ở khu vực Đam Rông, cách Đà Lạt 40 km về phía tây nam. Ngay sáng hôm sau, 13 máy bay của Trung đoàn 917 chở 1 tiểu đoàn đặc công lên tập kết tại sân bay Cam Ly (Đà Lạt) và sáng 2.9.1975 vừa đổ quân bao vây, vừa dùng trực thăng vũ trang UH-1 tiêu diệt địch, yểm trợ lực lượng tấn công dưới mặt đất. Trận này, 3 phi công Nguyễn Duy Lê, Trần Văn Lại, Mai Chí Lưu mỗi người lái một máy bay trinh sát phát hiện địch và chỉ điểm cho trực thăng tiêu diệt. Đây cũng là trận đánh đầu tiên của ông Lê trên U-17.
Đến giờ thì chẳng còn ai biết đến máy bay cánh bằng U-17. Nhưng thời điểm truy quét Fulro và bảo vệ biên giới Tây Nam, thì đây là loại trinh sát hữu hiệu nhất của Không quân VN. U-17 do Hãng Cessna phát triển từ những năm 1960, theo biến thể dân sự Cessna 185E, trang bị động cơ cánh quạt đạt tốc độ 287 km/giờ, tầm bay 1.300 km. Trên cánh máy bay lắp các ống phóng rốc két khói để chỉ điểm mục tiêu. “Thiết kế là thế, nhưng khi ta sử dụng thì thay rốc két khói bằng rốc két đinh để tiêu diệt địch. Mỗi khi bay, lựu đạn khói để đầy khoang, phát hiện mục tiêu thì mở cửa thò tay, giật mỏ vịt ném xuống từ độ cao 300 - 600 m chỉ điểm cho trực thăng, phản lực lao đến bắn ném”, ông Lê kể và cười: “May hồi ấy Fulro và Pol Pot ít vũ khí phòng không, chứ không chết chắc”.
|
Đêm 30.4.1977, quân chủ lực Pol Pot bất ngờ khiêu khích và lấn chiếm dọc tuyến biên giới Tây Nam nước ta, từ Tây nguyên đến Hà Tiên. Đặc biệt ở khu vực Mộc Bài (Tây Ninh) và Hà Tiên (Kiên Giang), địch đánh sâu vào VN, gây ra nhiều tội ác dã man. Ngày 1.5.1977, các xã Khánh An, Khánh Bình, Vĩnh Tế (An Giang) và thượng nguồn sông Châu Đốc bị quân Pol Pot đánh chiếm. 13/14 đồn biên phòng tuyến Long Xuyên - Châu Đốc bị tấn công. Ngay sau đó, lực lượng máy bay cường kích A-37, trực thăng vũ trang UH-1 và trinh sát U-17 được lệnh tập trung tại sân bay Cần Thơ, tham gia chiến đấu. Từ Tân Sơn Nhất, phi công Nguyễn Duy Lê cùng đồng đội điều khiển 2 máy bay trinh sát U-17 tăng cường xuống Cần Thơ, liên tục tham gia chiến đấu, có ngày cất cánh đến 2 - 3 lần.
Buổi trưa giữa tháng 7.1977, các phi công về ăn cơm, chỉ còn phi công Nguyễn Duy Lê và Giáp Văn Minh trực thì nhận lệnh: “Địch tràn sâu qua kênh Vĩnh Tế, bộ binh ta đang đánh chặn ác liệt. Không quân, pháo binh không thể chi viện do mất liên lạc. Các anh bay ngay ra trận địa xác định địch - ta”. Máy bay U-17 từ Cần Thơ hướng lên phía tây nam, sà xuống khu vực Thất Sơn - Bảy Núi thấy phía dưới đang chiến đấu ác liệt, không thể phân biệt nổi qua quần áo, vũ khí. Ông Lê bàn với ông Minh: “Giờ mình bay sát trận địa, chỗ nào bắn mình thì là vị trí địch” và thống nhất: “Có thể hy sinh nên sẽ vòng sang Campuchia bay về đất mình. Nếu có chết, cũng chết ở đất nước mình”. Buổi trưa hôm ấy, nhờ chỉ điểm kịp thời mà một tiểu đoàn của Sư đoàn 9 bộ binh đã thoát khỏi thế vây hãm cùng các đơn vị khác đánh trả quyết liệt, đẩy đuổi sư đoàn Pol Pot về bên kia biên giới. Riêng chiếc U-17 thì đầy vết đạn AK bắn vào cánh, lết mãi mới về đến sân bay.
Chuyên gia phun thuốc sâu
Cuối năm 1977 đầu năm 1978, đời sống cả nước khó khăn nên một số đơn vị quân đội cũng tranh thủ “làm kinh tế”. Với Trung đoàn trực thăng 917, dù vẫn đảm bảo số máy bay chiến đấu nhưng cũng tranh thủ đưa phương tiện đi giúp dân gieo sạ lúa. Ông Trần Ngọc Nhóm, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, kể: Cuối những năm 1970, tỉnh Long An tổ chức “tiến công khai hoang Đồng Tháp Mười” và hình thành Nông trường Lúa Vàng (H.Mộc Hóa). Bước vào vụ sản xuất, diện tích đất nông trường lên đến vài ngàn héc ta, xã viên lại ít, gieo sạ không xuể. Ông Ba Nhóm xuống Quân khu 7 nhờ đặt vấn đề với Trung đoàn 917, cứ tưởng khó ai dè được đồng ý ngay. Ngay lập tức, việc thực nghiệm được tổ chức tại sân bay Tân Sơn Nhất để thống nhất quy trình chuẩn gieo sạ như: độ cao, vận tốc máy bay, lượng lúa giống xả ra... Mấy ngày sau, 4 chiếc trực thăng UH-1 đã chở lúa giống từ TT.Mộc Hóa ra nông trường và hoàn tất việc gieo sạ xong mấy ngàn héc ta ruộng. “Nông trường trả công cho đơn vị bay bằng chỉ tiêu xăng dầu nhà nước cấp cho nông trường cùng mấy con heo nuôi tại chỗ”, ông Ba Nhóm kể.
Thời điểm giữa năm 1978, ông Nguyễn Duy Lê kết thúc nhiệm vụ đại đội trưởng giáo viên của Trung đoàn không quân 920 (Nha Trang) và được điều về “đội bay kinh tế”. Hỏi ra mới biết: Nhà máy A41 (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân) hoán cải mấy cái máy bay vận tải hạng nhẹ U-6A thu được của Mỹ thành máy bay… phun thuốc sâu. “Họ để một cái thùng to 600 lít trong thân máy bay, bơm thuốc trừ sâu sau đó nối lên ghế lái bộ điều khiển gồm bơm điện và công tắc, chúng tôi bay đến tọa độ đã định sẵn, bật công tắc phun là thuốc đổ xuống mù mịt”, ông Lê nhớ lại và trầm ngâm: Lúc ấy tụi mình đi bay chỉ có cáp chụp tai chứ không có mũ bay, nói gì đến khẩu trang, kính mắt bảo vệ. Mỗi lần bật công tắc, thuốc sâu mù mịt trong khoang lái. Xuống sân bay, ai cũng dạt ra bịt mũi vì mùi thuốc nồng nặc quần áo. Ngồi ăn cơm, thấy mỗi mình gắp đĩa thịt, cứ tưởng anh em nhường nên động viên: “Cùng ăn đi, đừng ưu tiên tớ”. Thấy mọi người tròn mắt: “Thịt thiu mà”, mới biết là mình bị hỏng mũi, phải đi chữa mấy tháng mới đỡ.
Ông Lê lái máy bay U-6A đi làm kinh tế khắp trong nam ngoài bắc, từ phun thuốc cho vùng đay Khoái Châu (Hưng Yên) đến đồng ruộng Cẩm Bình (Hải Dương), mía Thọ Xuân (Thanh Hóa), chè Bảo Lộc (Lâm Đồng)... Mãi đến cuối năm 1978, ông mới được nghỉ khoảng 20 ngày do… rơi máy bay. Sáng hôm ấy, 2 phi công Nguyễn Duy Lê và Trần Tấn Bửu bay từ Tân Sơn Nhất xuống H.Ba Tri (Bến Tre) phun thuốc trừ sâu. Mới phun được mấy phút thì máy bay chết máy, lao xuống ruộng vỡ tan tành, riêng buồng lái thì lật úp, chìm xuống nước. May bà con nông dân làm ruộng gần đó chạy đến đập kính, cắt dây an toàn kéo ra. Vụ này, ông Lê được chứng nhận thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật 21%.
“Sau này xem hồ sơ các vụ tai nạn bay, thấy vụ rơi U-6A không được nhắc. Giờ tôi vẫn muốn gặp lại những người dân Ba Tri, Bến Tre đã cứu mình”, ông Lê trầm tư nhớ lại.
|
(còn tiếp)
Bình luận (0)