>> Hoàng Phương - Ngọc Phan

Tân Thành là một trong 3 làng nghề dệt chiếu thủ công nổi tiếng ở Cà Mau xưa cùng với làng chiếu Tân Duyệt (Đầm Dơi) và Tân Lộc (Thới Bình). Hiện ở ấp 3, xã Tân Thành (TP.Cà Mau) còn tồn tại một xóm chiếu nằm bên con đường nhỏ hẹp, chông chênh, cạnh con sông lớn chảy xuống Tắc Vân với 5 hộ vẫn duy trì và sống lay lắt cùng nghề.

Đang ngồi chẻ lác phơi chuẩn bị làm hàng tết, bà Chiêm Thị Ái (55 tuổi) than thở: “Hồi đó dệt chiếu còn có tiền để dành sắm vàng, còn bây giờ ế ẩm lắm. Lác chiếu, sợi bố, màu nhuộm, thứ gì cũng lên giá. Mấy năm trước, khoảng thời gian này ở hai bên đường xóm chiếu Tân Thành phơi đầy những bó lác rực rỡ xanh, vàng, đỏ. Còn bây giờ vắng tanh. Nhiều người đã bỏ nghề chuyển sang đào ao nuôi cá, còn đám trẻ thì lên thành phố làm công nhân. Hiện xóm này chỉ còn khoảng 5 - 6 hộ theo nghề”.

Thời điểm này làng chiếu Tân Thành đang chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất chiếu cung ứng cho mùa Tết

Nhắc lại bài vọng cổ Tình anh bán chiếu, bà Ái nói vui: “Đó là chuyện ngày xưa. Còn bây giờ người ta xài chiếu ni lông, chiếu tre hoặc chiếu lác dệt máy nhuộm màu hóa học không hà”. Nhà bà Ái hiện còn 3 khung dệt và

1 guồng quay xe sợi bố, cuộn trái trân. Má bà năm nay đã hơn 70 tuổi, không ngồi dệt nổi, còn lại một mình bà theo nghề. Đứa con gái thì bỏ lên thành phố làm nhân viên bán hàng cho siêu thị. Vì vậy mấy năm nay bà phải mướn thêm người, vì dệt chiếu thủ công phải có 2 người. Một người chuồi lác và một người dệt với nhiều động tác nhấn, đè, cắt, nối trân để tạo hình, tạo chữ.

Được giới thiệu là người làm chiếu nhiều nhất hiện nay ở ấp 3, xã Tân Thành, nhưng chị Trần Thị Chín cũng than: “Mặc dù có sẵn bố và lác tự trồng trên nửa công đất nhà, nhưng mấy năm nay tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng, ai đặt chiếu gì thì dệt chiếu đó. Số còn dư thì đem bán cho ghe hoặc vựa chiếu ở bên Ô Rô, ấp 6, giá rẻ hơn. Hiện nay giá cao nhất là chiếu lẫy chữ, khổ 1,6 x 2,0 m, khoảng 700.000 đồng một đôi. Tính ra lời được khoảng 200.000 đồng nhưng chưa kể tiền công ngồi dệt. Một đôi chiếu nếu dệt giỏi thì 2 người phải mất một ngày rưỡi. Rẻ nhất là chiếu khổ 1,2 m, loại này đem bán cho ghe chỉ được 40.000 - 50.000 đồng một đôi, không có lời”. 

Ông Chiêm Thanh Tuấn, nhà ở ấp 3, cho biết làng nghề này có từ khi ông còn nhỏ: “Nhà tôi bắt đầu nghề dệt chiếu từ đời bà ngoại. Thời còn đốt đèn dầu thì nhà nào cũng dệt chiếu. Chiếu trắng, chiếu bông, chiếu lẫy chữ. Từ khi có điện thì nghề dệt chiếu giảm dần. Nhà tôi cũng bỏ nghề. Lý do làm ra bán không được”.

Thời hưng thịnh, làng chiếu Tân Thành có hơn 200 hộ dệt chiếu tập trung ở ấp 6, ấp 3 và ấp 2. Hiện nay ở vàm Ô Rô, ấp 6 người ta sắm nhiều máy dệt và có vựa mua bán chiếu. Nhưng theo những người trong nghề thì chiếu dệt bằng máy không thể đẹp và chắc như làm thủ công. Chiếu dệt máy là loại chiếu sợi trân bằng ni lông Thái, chiếc chiếu rất mỏng. Ngoài ra chiếu dệt máy người ta may bìa bằng vải, chứ không bẻ bìa thủ công, tuy tốn thời gian nhưng đẹp hơn.

Để làm ra những đôi chiếu đẹp, bền chắc, theo bà Chiêm Thị Ái thì người thợ cần có kinh nghiệm và khéo tay, nhất là khâu bẻ bìa. Dệt chiếu bông rất cực, phải lựa màu lẫy từng cọng. Khi lẫy, người thợ phải dùng các ngón tay để nhận trân rồi mới chuồi từng cọng lác nhuộm màu vào để cho chiếu nổi chữ hoặc hoa văn theo ý muốn. Thợ dệt chiếu lẫy giỏi nghề quen tay nên có khi không cần nhìn mũi chuồi cũng dệt chính xác. Thông thường một đôi chiếu lẫy dệt giỏi thì 2 ngày mới xong. Khi dệt bị lỗi, dù chỉ vài cọng lác cũng phải tháo ra làm lại để đảm bảo sản phẩm hoàn chỉnh cho khách hàng.

“Chiếu ở vùng này nổi tiếng nhờ độ dày, bền chắc và màu sắc tươi thắm. Hồi đó chưa có thuốc nhuộm công nghiệp. Lác dệt chiếu bông lẫy chữ thường được nhuộm bằng màu cây lá tự nhiên, như màu đỏ thì lấy từ củ vang, màu nâu từ cây chàm, màu vàng thì sử dụng lá cây dành dành, nghệ. Còn màu xanh thì ngâm phèn xanh trộn với thứ lá gì đó mà tui... không còn nhớ. Chiếu bông ở Tân Thành có hai loại. Loại dệt “long mốt” có lẫy chữ và loại “long hai” dệt hai lớp trân, tạo thành những ô vuông màu xen trắng nhìn rất đẹp mắt”, bà Ái chia sẻ.

Chợ nguyên liệu chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

Ngày xưa chuẩn bị cưới vợ cho con, cha mẹ thường đặt đôi chiếu bông có hoa văn rồng phượng và lẫy chữ “trăm năm hạnh phúc” rồi trước đêm tân hôn phải nhờ người lớn tuổi, còn đủ vợ chồng, trải giùm đôi chiếu lên giường, với hy vọng con sẽ được... trăm năm hạnh phúc. Còn bây giờ đêm tân hôn ít ai còn xài chiếu bông nữa nên thường gần Tết Nguyên đán mới có khách đặt chiếu bông về xài, hoặc mua chiếu trắng để phơi bánh phồng.

Để làm ra chiếc chiếu phải qua 3 - 4 công đoạn tỉ mỉ và đa số đều do phụ nữ làm. Đàn ông chỉ đi coi ruộng lác rồi cắt, bó đem về. Thường từ tháng năm đến tháng chín âm lịch, khi cây lác đã già trổ bông và cao hơn đầu người thì được cắt về, so lựa chiều cao rồi chẻ nhỏ, phơi khô.

Bà Chiêm Thị Ái cho biết hiện thời giá một công lác khoảng 4 - 5 triệu đồng. Không có nhiều khách hàng đặt dệt chiếu nên bà chỉ dám mua những đám lác nhỏ giá từ 1 - 1,5 triệu đồng. Nếu cắt được từ 30 - 40 bó thì có lời, ít hơn có khi bị lỗ.

Mưa nắng dãi dầu là khâu phơi lác. Cọng lác phải phơi đến khi nhìn thấy đầu cọng lác trắng mới đạt yêu cầu, để lâu không bị ẩm. Nếu có tiền thì nhuộm trước để dành. Cọng lác sau khi phơi khô được nhuộm 3 màu đỏ, xanh, vàng cùng với màu trắng của cọng lác là đủ để dệt loại chiếu bông, chiếu lẫy.

Trân dệt chiếu được làm từ cây bố. Hồi trước ở Tân Thành còn nhiều nhà trồng bố. Đến mùa thu hoạch, người ta nhổ về lột vỏ, cạo bỏ lớp vỏ xanh rồi giặt sạch, phơi khô, sau đó xé nhỏ đưa vào guồng xe sợi quay ra trái thành “trái trân”. Hiện nay người dệt chiếu phải qua bên vựa ở vàm Ô Rô mua bố giá mỗi ký là 100.000 đồng, cộng thêm mấy chục ngàn tiền mướn người xé, xe sợi.

Chiếc cầu bắc qua sông chỗ ấp 3, xã Tân Thành, bị xuống cấp trầm trọng

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Hoàng Phương

Báo Thanh Niên
30.12.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.