Khai thác bauxite - bài toán "nóng"

27/05/2009 00:39 GMT+7

Khai thác bauxite Tây Nguyên tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của QH trong phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội hôm qua.

Theo Trưởng đoàn ĐB QH Đắk Nông, Điểu K'Ré, sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng bauxite trên địa bàn sẽ góp phần đáng kể trong tăng trưởng GDP, tăng thu cho ngân sách cho địa phương, phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể theo ĐB Điểu K'Ré: dự án Nhân Cơ ở giai đoạn 1, công suất là 650.000 tấn alumin/năm sẽ đóng thuế mỗi năm khoảng 547 tỉ đồng, dự kiến đào tạo nghề cho 1.600 công nhân, tạo việc làm ổn định cho khoảng 16.000 lao động liên quan, kèm theo là sự phát triển các ngành kinh tế khác và đưa ánh sáng văn hóa vào vùng sâu, vùng xa.

Đồng quan điểm như trên, ĐB Lê Thanh Phong, Trưởng đoàn ĐB QH Lâm Đồng cho biết: "Có thể nói việc khởi công dự án Nhà máy bauxite Tân Rai đã tạo luồng sinh khí mới phấn chấn trong đội ngũ cán bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng sau nhiều năm mong đợi". Theo ông Phong, diện tích khai thác bauxite ở Tân Rai chỉ bằng 1,4% tổng diện tích đất tự nhiên, đất nông lâm nghiệp mà Lâm Đồng có, nên ảnh hưởng không lớn đến sản xuất nông nghiệp của vùng. Khu vực dự án là rừng nghèo, năng suất chè, cà phê trong vùng rất thấp. "Theo suy nghĩ của chúng tôi triển khai dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn của Lâm Đồng", ông Phong kết luận.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lại cho rằng đây là dự án "lấy tiền thuế của dân để làm lợi cho doanh nghiệp". Ông phân tích: "Chúng ta phải xây dựng một đường xe lửa dài vào khoảng 270 km, tiêu tốn đến 3,1 tỉ USD. Chúng ta sẽ phải làm cảng nữa, những tiền này tính vào đâu? Tính vào alumin thì giá đội lên rất cao và như thế bán sẽ không có lãi. Nếu như không tính vào sản phẩm alumin mà coi là công trình dân dụng thì có thể nói ta đã lấy tiền thuế của dân để làm lợi cho doanh nghiệp. Tôi xin lưu ý là Đại hội X cũng xác định là hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô. Và alumin là khoáng sản thô".

Ông Thuyết tiếp tục: "Về môi trường, Chính phủ nói là sẽ xây các hồ chứa nước trên Tây Nguyên, nước không chảy xuống sông Đồng Nai nữa, chúng ta cũng biết tin mới nhất là lượng nước của sông Mê Kông đang giảm xuống, như vậy thì đồng bằng Nam Bộ có bị ảnh hưởng không? Vấn đề bùn đỏ, từ năm 2015 mỗi năm thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ và hết đời của dự án này là 1,5 tỉ tấn. Đấy là những quả bom bùn treo trên cao, trên đồng bằng Nam Bộ và nam Trung Bộ".

ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị phải xem đây là công trình quan trọng quốc gia vì có thể tiêu một số tiền gấp 10 lần số tiền cho một công trình quan trọng quốc gia (khoảng từ 190.000 tỉ đến 250.000 tỉ đồng đến năm 2025) nên phải trình QH thẩm tra và quyết định. "Nếu không tính cả cụm dự án mà cứ tách từng dự án để giảm số vốn đầu tư, tôi cho là lách luật", ông Thuyết nói.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì phát biểu theo suy nghĩ của một người làm sử: "Tại sao ta không để dành

bauxite cho con cháu chúng ta làm khi có đủ năng lực và đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất? Thứ hai, một câu hỏi được đặt ra là vì sao một chủ trương lớn như thế, quan trọng như thế, có thể làm thay đổi Tây Nguyên như thế và đã được chuẩn bị lâu như thế mà đến lúc này QH mới có cơ hội bàn đến?".

Lưu Quang Phổ (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.